(GD&TĐ) - Qua diễn đàn "Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013” báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc. Các ý kiến này đã được lãnh đạo Bộ GD&ĐT phân tích, tiếp thu, trên cơ sở đó dự kiến phương án xác định điểm sàn mới, hợp lý hơn, dự kiến áp dụng từ năm 2013. Báo Giáo dục&Thời đại lại tiếp tục nhận được nhiều ý kiến về dự kiến phương án điểm sàn mới.
Đảm bảo chất lượng và tránh được lãng phí đầu tư
Ông Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho rằng, phương án 2 điểm sàn Bộ dự kiến đưa ra là hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tạo điều kiện cho các trường nhưng vẫn thỏa mãn được tiêu chí chất lượng nguồn tuyển.
TS.Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp. Ảnh: gdtd.vn |
TS Đệ lý giải: Bộ vẫn duy trì điểm sàn dựa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng và tổng chỉ tiêu xác định như hiện nay và yếu tố chất lượng vẫn được lấy làm mục tiêu số 1. Trong trường hợp sử dụng mức điểm sàn thứ hai thì điểm sàn này vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển do được tính bằng tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi theo khối thi tương ứng.
Cách làm này tạo điều kiện cho các trường ĐH top dưới và đặc biệt là rất thuận lợi cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Đệ cho rằng, các trường không nên chọn ngay điểm sàn dưới mà trước hết hãy tuyển bằng điểm sàn trên; điểm sàn dưới chỉ nên sử dụng trong trường hợp không tuyển đủ chỉ tiêu.
Thêm đó, cùng với việc xác định điểm sàn hai mức, Bộ GD&ĐT nên quy định các trường top trên phải lấy điểm chuẩn cao hơn một mức nào đó so với điểm sàn.
“Các trường top trên thường nằm ở khu vực thành phố lớn như Hà Nội hoặc TPHCM. Nếu các trường này lấy điểm chỉ bằng sàn thì chắc chắn học sinh sẽ chọn ra thành phố học. Nhiều em tốt nghiệp xong không muốn quay trở về quê mà tìm cách ở lại thành phố lập nghiệp dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Trong khi đó, vùng như Đồng bằng sông Cửu Long rất có nhu cầu tuyển dụng lao động thì các em lại không về. Vì vậy, thiết nghĩ, Bộ nên tính thêm phương án các trường tốp trên phải lấy điểm chuẩn cao hơn điểm sàn một mức nào đó. Chỉ có như vậy, những trường đại học địa phương mới có cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu, từ đó đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu địa phương”.
Trường ngoài công lập vẫn băn khoăn:
Về dự kiến 2 mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT, ông Văn Đình Ưng - Trưởng ban Thông tin của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL - ghi nhận thiện chí của Bộ GD&ĐT trong việc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các trường NCL.
Thí sinh thi ĐH 2012. Ảnh: NN |
Ông Ưng cũng cho rằng, vì có hai mức điểm sàn nên phải làm thế nào đó tuyên truyền để xã hội hiểu, mức điểm đó vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và những học sinh đạt được mức đó không phải là học sinh kém.
Tuy nhiên, thông tin về ý kiến nhiều trường ĐH NCL trong cuộc họp sáng nay (4/3) về vấn đề tuyển sinh, ông Ưng cho hay, các trường còn băn khoăn với dự kiến điểm sàn này:
”Chúng tôi đã đọc được ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong đó có ý, mức điểm sàn dưới sẽ dôi ra khoảng 200 nghìn thí sinh, trong khi nguồn tuyển thiếu là 50 nghìn. Rõ ràng, cách làm này sẽ làm tăng nguồn tuyển.
Tuy nhiên, nhiều trường băn khoăn nếu mình chọn mức điểm sàn thấp, vô hình dung họ thấy mình bị phân biệt, xã hội sẽ coi mình giống như những “công dân hạng 2”. Đó là điều mà không trường nào mong muốn”.
“Nếu cộng tất cả chỉ tiêu của các trường được công bố trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 Nhà xuất bản Giáo dục VN vừa xuất bản, tổng số chỉ tiêu năm nay vào khoảng 643 nghìn, trong đó chỉ tiêu các trường công lập vào khoảng 513 nghìn.
Số thí sinh chuẩn bị tốt nghiệp THPT năm nay ước chưa đến 1 triệu em. Số này vượt qua kỳ thi tốt nghiệp được khoảng 900 nghìn. Lọc qua kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ nữa, số đạt từ sàn trở lên chưa chắc đã đảm bảo đủ tổng chỉ tiêu Bộ cho các trường năm nay. Thêm đó, các trường công lập lại được phép tuyển dôi dư từ 5-6% chỉ tiêu, như vậy, trường NCL sẽ không còn nguồn tuyển” – Ông Ưng phân tích.
Theo ông Ưng, các trường mong rằng làm sao điểm sàn không cần phải hai mức nhưng vẫn dôi dư nguồn tuyển. Để thực hiện điều này, cần có những thay đổi trong cách ra đề thi cũng như đáp án chấm cho phù hợp.
Ví dụ, các ý kiến cho rằng, đề thi ĐH tất nhiên phải khó hơn thi tốt nghiệp nhưng không nên cách nhau quá xa. Tỷ lệ độ tốt nghiệp vào khoảng 90% thì đề thi ĐH cũng nên chọn được khoảng 80%. Hoặc trong đáp án chấm điểm, với các câu khó để chọn ra học sinh giỏi, thông thường cho 2 điểm thì nay chỉ nên cho 1 điểm, còn tăng điểm lên đối với những câu trung bình. Điểm sàn không đánh giá chất lượng thấp hay cao mà chủ yếu để tạo một ngưỡng cho các trường tuyển từ cao xuống thấp sao cho đủ chỉ tiêu.
Cơ hội cho những học sinh cố gắng thật sự
Theo Ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, Bộ GD&ĐT đưa ra phương án điểm sàn hai mức chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ. Đây được xem như tạo cơ hội để các em HS vào học ĐH, CĐ, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực mỗi địa phương và của đất nước
Như tỉnh Kiên Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung chất lượng GD vẫn chưa đồng đều, sức học của HS cũng không đều nên có phương án điểm sàn hai mức sẽ có thêm nhiều HS được học ĐH, CĐ.
Trong thi cử đôi khi không theo ý muốn của các em HS, có khi còn là may rủi, vì lý do gì đó các em có thể thiếu 0,5 điểm, có khi chỉ thiếu 0,25 điểm nhưng không đạt điểm sàn nên bỏ lỡ cơ hội vào ngành học mà mình yêu thích, phải bỏ công sức phấn đấu học tập suốt bao năm. Thực tế có trường hợp học phổ thông rất tốt nhưng đến khi thi ĐH lại không may điểm không đạt điểm sàn, chỉ còn thiếu 0,5 điểm là có thể trúng tuyển, điều này rất đáng tiếc.Vì vậy Bộ GD&ĐT đưa ra hai phương án điểm sàn sẽ là cơ hội để các em được học bậc học cao hơn thay vì phải bỏ công sức, tiền của ôn luyện thêm một năm để chuẩn bị cho kỳ thi năm sau...
Thảo luận kết quả làm bài. Ảnh: Bắc Việt |
Chúng ta không phải sử dụng phương án điểm sàn hai mức để tuyển sinh cho thật nhiều, tuyển mà không quan tâm chất lượng đầu vào mà chủ yếu tuyển những em HS có năng lực thật sự, có cố gắng thật sự. Cấp học THPT rất quan trọng, nên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thể hiện nỗ lực của các em. Vì vậy theo phương án điểm sàn hai mức, em nào đạt điểm sàn mức dưới sẽ được các trường xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là hoàn toàn hợp lý.
Điều quan trọng là khi xây dựng và xác định điểm sàn theo phương án nói trên cần chú ý theo vùng tuyển sinh cụ thể. Đặc biệt là nhu cầu nhân lực, thực lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ như thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho xã hội.
Quốc Ngữ (ghi)