Trong Nghị quyết và các văn kiện Đại hội đề ra được những chiến lược nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới GD&ĐT để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay.
Đề ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Với 32 năm tuổi Đảng, PGS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên luôn theo sát những kỳ họp của T.Ư Đảng và nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng lần này. Ông kỳ vọng Đại hội lần này sẽ xác định được những chiến lược phát triển đất nước trong thời đại hội nhập sâu, rộng kinh tế quốc tế; Đồng thời phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa;
Về công tác nhân sự, ông kỳ vọng: Đại hội lần này sẽ sáng suốt bầu chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, xứng đáng nhất vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và những vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng để lãnh đạo đất nước.
Chiến lược phát triển giáo dục của đất nước nhiệm kỳ thứ XII được thể hiện ở trong Nghị quyết Đại hội đã chỉ ra xu hướng, chiến lược hội nhập quốc tế là hết sức trọng tâm.
PGS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng: Muốn “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT” thành công theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI phải tiệm cận đến những chuẩn của khu vực và quốc tế. Nhất là trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là sau ngày 31/12/2015, Việt Nam hội nhập Khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì chất lượng nguồn nhân lực cũng phải mang tính chất toàn cầu.
Trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước sau đổi mới, Đảng cũng đã đề cập đến chiến lược phát triển nguồn lực con người; vấn đề đặt ra là cần phải thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt hơn chiến lược này. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII đã rất đầy đủ; Tuy nhiên có một điều hết sức quan trọng là sau Đại hội thì các cấp ủy Đảng phải xây dựng kế hoạch triển khai và phải quyết liệt thực hiện. Sự vào cuộc của toàn xã hội trong đó các cấp ủy Đảng phải đi đầu xây dựng kế hoạch chiến lược để thực hiện Nghị quyết của Đại hội.
Quan tâm đến đội ngũ nhà giáo
Từ tỉnh biên giới phía Bắc, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La chia sẻ những kỳ vọng của mình vào Đại hội lần này: Trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ các đại biểu dự Đại hội sẽ bầu chọn ra Ban Chấp hành T.Ư đủ tâm, đủ tầm để lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển; An sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, ngành GD&ĐT ngày càng được quan tâm.
Ông Đức cho rằng, các kỳ Đại hội trước, Đảng ta đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đến Đại hội lần này tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp trồng người. Lãnh đạo sự nghiệp đổi mới giáo dục đi đến thành công. Đồng thời với đó là những chính sách chăm lo, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc miền núi, tạo điều kiện cho con em đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của cả nước có điều kiện để học tập tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Tiến Đức mong muốn: Trong Nghị quyết Đại hội lần này, chiến lược phát triển sự nghiệp GD&ĐT được cụ thể hóa, tiếp tục có chính sách cải thiện đời sống, điều kiện công tác của đội ngũ thầy, cô giáo miền núi, vùng sâu, vùng xa; có chính sách bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất góp phần ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; Hơn hết là tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương miền núi phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí... góp phần giữ gìn, bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời biên cương của Tổ quốc.
Có chiến lược cụ thể thúc đẩy đổi mới GD&ĐT
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang - ông Ma Quang Hiếu chia sẻ: Cũng như mọi công dân thuộc các tầng lớp nhân dân trong cả nước, hơn nữa là một đảng viên, một cán bộ quản lý giáo dục của một địa phương miền núi vùng Trung du miền núi phía Bắc, là nhà giáo, tôi cũng như bao nhà giáo khác trong tỉnh kỳ vọng vào các đại biểu dự Đại hội lần này sáng suốt lựa chọn, bầu ra được Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đặc biệt là các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước là những cán bộ đại diện cho quyền lợi của hơn 90 triệu dân, hội đủ các điều kiện của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư; Để tiếp tục sáng suốt lãnh đạo, đưa đất nước theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội lần này đề ra; Nhất là GD&ĐT là lĩnh vực quan trọng tạo ra sự thay đổi cho tất cả các lĩnh vực khác.
Để chuẩn bị và hướng về Đại hội XII, cùng với các địa phương khác của cả nước, tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành một kỳ Đại hội thành công. Trong ba khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã chọn ra một nhiệm vụ đó là tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Ma Quang Hiếu kỳ vọng vào Đại hội lần thứ XII của T.Ư Đảng và Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, cụ thể hóa triển khai Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI về “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT” thành công. Ngành Giáo dục Tuyên Quang sẽ nỗ lực tham mưu cho Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ này tiếp tục lãnh đạo, thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, ông Hiếu mong muốn rằng: Cũng như các kỳ Đại hội trước của Đảng đã đặt lĩnh vực GD&ĐT ở vị trí đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu; Đại hội lần này sẽ có những chiến lược thực tiễn hơn để đưa GD&ĐT có những bước phát triển, đổi mới, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Hoặc là có làm nhưng có lúc, có nơi và có khi, có thời điểm cũng chưa thực sự quyết liệt.