Không khí Hà Nội chìm sâu trong ngưỡng nguy hại

GD&TĐ - Sáng 11/12, số liệu từ các trạm quan trắc cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội lại ô nhiễm nghiêm trọng, lên đến ngưỡng nguy hại (AQI trên 300). Với mức độ ô nhiễm này, người dân nên hạn chế ra đường.

Các công trình xây dựng đang là nơi phát thải khí ô nhiễm lớn tại Hà Nội
Các công trình xây dựng đang là nơi phát thải khí ô nhiễm lớn tại Hà Nội

Hà Nội đứng thứ 3 trong top thành phố ô nhiễm

Sáng 11/12, các ứng dụng đo chất lượng không khí đều cảnh báo màu đỏ, tím và thậm chí là nâu (mức không khí nguy hại). Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, chất lượng chỉ số AQI giờ lúc 7 giờ là 199, xấp xỉ ngưỡng tím. Hơn 60 điểm quan trắc của PAMAir hầu hết ở ngưỡng tím và đỏ.

Một số điểm đo đã lên tới ngưỡng nâu - ngưỡng nguy hại như điểm đo tại Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) lúc 4 giờ sáng, chỉ số AQI là 346. Điểm đo ở Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lúc 7 giờ là 302. Điểm đo Phú Thượng (Tây Hồ) lúc 5 giờ là 373. Nhiều điểm đo khác đều ở mức tím như Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là 279, điểm đo Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy, Hà Nội) ở mức 261...

Còn theo ghi nhận của hệ thống đo AirVisual, sáng 11/12, Hà Nội đứng thứ 3 trong top thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI trung bình là 297. Với chất lượng không khí như trên, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp được khuyến cáo nên ở trong nhà. Những người còn lại hạn chế ra đường. Mọi người nên dừng hoạt động tập thể dục buổi sáng ngoài trời, đóng các cửa lưu thông gió, ra đường đeo khẩu trang chống bụi mịn.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó hoạt động đốt rác, rơm rạ. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo dự báo, từ nay đến tháng 3 năm sau, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục.

Quản lý được nguồn thải sẽ hạn chế ô nhiễm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hình thái thời tiết rét sâu vào ban đêm, ngày nắng hanh, độ ẩm thấp, gió lặng như hiện nay còn tiếp tục duy trì đến hết thứ ngày 13/12. Điều này đồng nghĩa với khả năng nghịch nhiệt có thể tiếp tục xảy ra khiến không khí tiếp tục nghiêm trọng vào đêm và sáng.

Báo cáo quốc gia về môi trường không khí và báo cáo hiện trạng chất lượng không khí của GreenID cũng chỉ ra, mùa đông Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng hơn mùa hè. Các đợt ô nhiễm không khí tăng mạnh với chỉ số lên ngưỡng nguy hại trong một số thời điểm.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, trong bối cảnh ô nhiễm như vậy, một số thành phố khác trên thế giới thường áp dụng các biện pháp khẩn cấp như ra thông báo khẩn và đề nghị mọi người theo dõi thường xuyên.

Thông báo nghỉ học đối với một số trường học ở vùng ô nhiễm cao, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm ít hơn. Tạm đình chỉ một số cơ sở sản xuất, công trình xây dựng. Phạt thật nặng đồng thời công khai tên những người đốt rác, rơm rạ.

Đây là các giải pháp tức thời nhằm hạn chế ô nhiễm và tác động đến sức khỏe con người. Các giải pháp tổng thể, căn cơ liên quan đến giao thông, xây dựng, dân sinh và các hoạt động công nghiệp phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

PGS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN cho rằng, phải khẳng định Hà Nội đã bị ô nhiễm bụi (cả TSP, PM10, PM2,5) ở diện khá lớn. Hiện nay, Việt Nam chưa có đợt kiểm kê phát thải lớn nên cũng khó có nhận xét chính xác về nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí.

Để hạn chế được ô nhiễm không khí thì phải quản lý được nguồn thải. Cần quy định các nguồn thải thường xuyên phải đăng kí với cơ quan chức năng cả về mức thải, địa điểm, cơ sở hạ tầng đo, hệ số...

Các nguồn thải di động phải nghiên cứu, định vị để đưa vào cơ sở dữ liệu có thể chạy các mô hình khuếch tán. Chất thải từ sẽ lan truyền trong khí quyển. Các mô hình lan truyền có thể tính toán được nồng độ chất ô nhiễm trên phạm vi lớn xung quanh các nguồn thải, khoanh các vùng có các mức khác nhau.

Khi có quy hoạch phát triển, có dự báo nguồn thải cũng có thể dự báo khả năng tác động trong tương lai khi thực hiện các quy hoạch phát triển.

Khi có cơ sở dữ liệu nguồn thải, có phần mềm chuyên dụng thì có thể liên tục tính toán phân bố chất ô nhiễm trong phạm vi nhất định. Nếu khu vực có các trạm đo tự động thì có thể sử dụng số liệu đo thực tế để hiệu chỉnh mô hình và tính mức độ đóng góp của các nguồn đến ô nhiễm tại điểm đo.

Đây là cơ sở để xác định nguồn thải mới gây ô nhiễm hoặc nguồn thải có sự cố trong hệ thống xử lí chất thải. Chẳng hạn, tại trạm đo phát hiện nồng độ chất ô nhiễm cao bất thường thì có thể chạy mô hình xác định hướng chất thải lan truyền đến để xác định, kiểm tra các nguồn đã có hoặc nguồn mới phát thải, chỉ ra thủ phạm gây ra hiện tượng này.

TS Hoàng Dương Tùng cho biết, tại một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, những ngày ô nhiễm như này, các trường học đóng cửa hoặc dừng các hoạt động ngoài trời, nghiêm cấm các hoạt động đốt than, đốt rác, đốt rơm rạ, một số công trình xây dựng phải tạm dừng trong ít ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ