Tiếp thị, quảng cáo tấn công trường học

GD&TĐ - Trường học là địa chỉ giàu tiềm năng được các đơn vị tiếp thị, quảng cáo nhắm đến, nhất là công ty có nhãn hàng liên quan đến học sinh, sinh viên.

Trước nhiều hình thức “chèn” quảng cáo vào trường học, nhà trường phải cân nhắc kỹ để tránh xảy ra quảng cáo trá hình. Ảnh minh họa: Quốc Ngữ
Trước nhiều hình thức “chèn” quảng cáo vào trường học, nhà trường phải cân nhắc kỹ để tránh xảy ra quảng cáo trá hình. Ảnh minh họa: Quốc Ngữ

Trước nhiều hình thức “chèn” quảng cáo vào trường học, nhà trường cần cân nhắc để tránh xảy ra quảng cáo trá hình.

“Chèn” quảng cáo vào trường học

Việc một trường THCS ở Quận 1 (TPHCM) tổ chức cho học sinh đi xem phim “Đất rừng phương Nam” nhưng sau đó phải dừng lại, khiến dư luận khá tâm tư về tình trạng tiếp thị, quảng cáo vào trường học.

Dù không còn cảnh treo băng rôn, áp phích hay trưng bày lộ liễu nhưng tại không ít nhà trường còn tồn tại các loại quảng cáo sản phẩm dưới hình thức như: Tổ chức ngày hội, tặng học bổng, phát tờ rơi, sản phẩm miễn phí, dùng thử sản phẩm, bốc thăm may mắn, trò chơi kèm quà tặng, dạy Tiếng Anh cho trẻ em, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp… Có công ty, đơn vị còn “núp bóng” chương trình mang tên giáo dục, hoạt động ngoại khóa, nhân đạo tình thương như biểu diễn rối, ảo thuật... nhưng đằng sau đó là quảng cáo hoặc bán sản phẩm.

Thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TPHCM) cho biết: Đầu năm học, tập thể, cá nhân trực tiếp đến trường xin tiếp thị, quảng cáo rất đông; thậm chí nhiều đơn vị giới thiệu dịch vụ qua điện thoại. Tuy nhiên, nếu đơn vị liên hệ để thực hiện chương trình tại trường mà không có sự cho phép của cấp trên (sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT) thì nhà trường từ chối.

“Khi mới làm quản lý, tôi còn “miễn cưỡng” tiếp và giải thích lý do không chấp nhận chương trình lồng ghép quảng cáo, tiếp thị trong trường. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người đến trường, tôi đã quán triệt bảo vệ nếu khách liên hệ công việc thật sự, có giấy giới thiệu của phòng GD&ĐT thì cho vào. Khi biết khách “không mời mà đến”, bảo vệ phải từ chối. Nhà trường không chấp nhận quảng cáo, tiếp thị đến trường; trừ một vài hoạt động nhân đạo phải có chữ ký, đóng dấu của liên ngành GD-ĐT và chính quyền”, thầy Tới chia sẻ.

Một hiệu trưởng trường THCS tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Tiếp thị, quảng cáo có đủ loại hình, từ giới thiệu, dùng thử sản phẩm đến tặng học bổng... diễn ra suốt năm học. Đầu năm học, các hãng sản xuất sữa, văn phòng phẩm, bảng thông minh, tài liệu tham khảo rồi trung tâm tin học, ngoại ngữ cũng xuất hiện với nhiều hứa hẹn. Giữa năm, hãng du lịch giới thiệu tour giá cả hấp dẫn. Cuối năm, trường, trung tâm vào giới thiệu, tiếp thị về tuyển sinh các cấp học, trung tâm ngoại ngữ, tin học quảng cáo học hè...

Có chương trình như vẽ tranh, biểu diễn ảo thuật, múa rối, ít cũng một, hai tiết học, nhiều thì cả buổi. Nếu chiều theo, việc cắt xén chương trình học khó tránh khỏi. Đó là chưa nói họ thường tới sớm để treo băng rôn, làm sân khấu, thử loa, nhạc vang lên ồn ã làm học sinh mất tập trung. Thầy cô tốn công sức, mất thời gian tập trung và quản học trò tham gia hoạt động trong khi đang vất vả với công việc trường lớp.

Thư ngỏ của một trường THCS ở Quận 1 (TPHCM) gửi phụ huynh khối 8, 9 tổ chức cho học sinh đi xem phim “Đất rừng phương Nam”. Ảnh: PHCC

Thư ngỏ của một trường THCS ở Quận 1 (TPHCM) gửi phụ huynh khối 8, 9 tổ chức cho học sinh đi xem phim “Đất rừng phương Nam”. Ảnh: PHCC

Tránh quảng cáo trá hình

Theo thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hạ (huyện Bình Chánh, TPHCM), nhiều đơn vị, cá nhân đến trường để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. “Khi có thời gian tôi vẫn tiếp để xem nội dung phù hợp không.

Tất nhiên, nhà trường nghiêm cấm và không để xảy ra tình trạng công ty, doanh nghiệp thực hiện hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hoạt động mang tính thương mại, không có ý nghĩa giáo dục đối với học sinh, phụ huynh tại trường dưới mọi hình thức. Đặc biệt, hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, hoặc tài trợ phải có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của ngành Giáo dục”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hạ khẳng định.

Xung quanh vấn đề quảng cáo, tiếp thị trong trường học, thầy Kim Văn Ngói - Hiệu phó Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng) cho hay: Trường thường xuyên tiếp nhận hình thức quảng cáo trực tiếp, gọi điện thoại, gửi email.

Nội dung các đơn vị muốn giới thiệu như du lịch, du học, tư vấn hướng nghiệp, học ngoại ngữ, tin học hay bán sách, tài liệu... Về giải pháp, theo thầy Ngói, trường sẽ tiếp khi có giấy tờ, công văn của ngành và cơ quan chức năng. Đồng thời từ chối tiếp, làm việc nếu không rõ ràng, thiếu giấy tờ chứng minh; một số trường hợp nhà trường liên hệ, xin ý kiến cấp trên…

Chia sẻ về vấn đề quảng cáo, tiếp thị trong trường học, thầy Lê Xuân Bột - nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) nhìn nhận: Trường học là khuôn viên không dành cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo.

Các trường cần cân nhắc kỹ để tránh xảy ra quảng cáo trá hình. Không thể nào trong sân trường lại giới thiệu sản phẩm thương mại, không giúp ích cho giáo dục… Nếu các sản phẩm thực sự uy tín thì trên website đã có đầy đủ thông tin.

Phụ huynh và học sinh có thể tham khảo trên mạng hoặc tìm hiểu trực tiếp nếu muốn được tư vấn cụ thể. Việc quảng cáo, tư vấn tại hệ thống trường học nếu làm không tới nơi tới chốn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh...

Trước tình hình phức tạp của quảng cáo, tiếp thị len lỏi học đường, tháng 4/2023, Sở GD&ĐT TPHCM ban hành quy định liên quan đến doanh nghiệp hoặc tài trợ tại các trường phải có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của sở. Sở GD&ĐT TPHCM lưu ý, cấm quảng cáo, tư vấn du học trong trường để đảm bảo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. Theo đó, các trường không được phép cho công ty, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hoạt động mang tính thương mại không có ý nghĩa giáo dục với học sinh, phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ