Tiếp cận số để quản lý chất thải rắn đô thị tại Hà Nội

GD&TĐ - Tại hội thảo quốc tế thường niên CIEMB lần thứ 4, TS Trương Đình Đức, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã có những trao đổi đáng chú ý về vấn đề kết hợp kinh tế tuần hoàn với phát triển bền vững đô thị.

Hội thảo quốc tế thường niên CIEMB “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” lần thứ 4.
Hội thảo quốc tế thường niên CIEMB “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” lần thứ 4.

Chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên lớn

Theo TS Trường Đình Đức, Hà Nội là đô thị lớn thứ 2 trên cả nước (chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh) với quy mô dân số ước tính khoảng hơn 9 triệu người. Với lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.

Theo số liệu thống kê, trong tổng số khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, thành phần rác thực phẩm chiếm 51,9% (Khoảng hơn 3.600 tấn), chất trơ (Da, gỗ, cao su…) chiếm 38% (Khoảng 2.700 tấn), lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm 7,1% (khoảng 500 tấn). Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp chiếm 98%, khoảng 2% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, không phát điện.

Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hay đốt (không phát điện) gây lãng phí một nguồn tài nguyên lớn, trong khi điều kiện kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn, cần tận dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tránh lãng phí cũng như giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống.

Việc không phân loại triệt để chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn gây khó khăn cho công đoạn xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như không tận dụng chất thải rắn sinh hoạt như một nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào cho các ngành sản xuất khác như sản xuất phân bón hữu cơ compost, sản xuất trực tiếp protein động vật/ nuôi côn trùng, nhựa tái chế, kim loại tái chế… Việc không có một thị trường mua bán đồ đã qua sử dụng thực sự hiệu quả cũng làm gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt, không thể kéo dài vòng đời của sản phẩm…

Thực tế, ngay trên địa bàn thành phố, đã có nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải rắn sinh hoạt đã không thể hoạt động được do không bán được sản phẩm, hay các trang trại nuôi giun đỏ không mở rộng được quy mô sản xuất do họ không thể mua được chất thải rắn sinh hoạt có nguồn gốc hữu cơ đủ chất lượng.

Tiếp cận số để quản lý chất thải rắn đô thị tại Hà Nội ảnh 1

Tiếp cận số để quản lý chất thải rắn đô thị

Từ thực trạng trên, TS Trường Đình Đức và đồng sự đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Các hộ gia đình sẽ tiến hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nhà. Những đồ dùng cũ (ở đây cũng được xếp vào là loại chất thải rắn sinh hoạt) có thể dùng lại được/nên đem bán trên thị trường online đối với đồ đã qua sử dụng. Nếu không bán được những đồ dùng cũ thì chúng sẽ được bán cùng các loại chất thải rắn sinh hoạt và được mua/bán trên thị trường online với khối lượng và chủng loại khác nhau.

Giai đoạn 2: Các công ty vận chuyển sẽ thu phí vận chuyển và vận chuyển từng loại chất thải rắn sinh hoạt riêng biệt đến công ty mua/nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp, trang trại…

Giai đoạn 3: Mỗi loại rác riêng biệt sẽ được thu gom cùng nhau, cùng một loại xe chuyên dụng và vận chuyển đến cùng một nơi tập kết là các hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp có nhu cầu mua/nhận xử lý.

Các hoạt động mua/bán chất thải rắn sinh hoạt này sẽ được vận hành trên một nền tảng công nghệ do thành phố hay chính phủ phát triển và điều hành tương tự như công nghệ được phát triển cho gọi xe công nghệ cao, công nghệ đi xe chung công nghệ cao, công nghệ giao hàng ăn nhanh, công nghệ cho thuê xe đạp… và được phát triển riêng cho mặt hàng riêng biệt là chất thải rắn sinh hoạt.

Như vậy, tùy theo nhu cầu của thị trường mà các hộ gia đình có thể mua/bán các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại khác nhau của mình. Hạn chế tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, không tham gia vào vòng tuần hoàn.

Như vậy, nếu tiến hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt một cách triệt để thì các hộ gia đình có thể có thêm thu nhập khi bán các mặt hàng không còn giá trị sử dụng của mình và cũng có thể phải mất nhiều tiền hơn nếu không chịu phân loại chất thải rắn sinh hoạt triệt để tại nguồn.

Hàng tháng phần mềm sẽ tự động tính toán số tiền mỗi hộ gia đình có thể tiết kiệm được hay đã lãng phí nếu như đã tiến hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt hoặc nếu không phân loại chất thải rắn sinh hoạt một cách tại nguồn. Việc có thêm thu nhập hay mất đi thu nhập từ ý thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có thể làm cho các hộ gia đình có động lực, cũng như có trách nhiệm hơn trong quá trình phân loại triệt để chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Điều này có thể khắc phục được tình trạng bàng quan trong việc xả thải chất thải rắn sinh hoạt của người dân hiện nay phát sinh do việc tính tiền phí chuyên chở chất thải rắn sinh hoạt theo cách cào bằng, thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường và hạn chế tối đa việc xả thải chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường nhất là trong tình trạng các bãi rác của thành phố Hà Nội hiện nay đang bị quá tải và gây ô nhiễm môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.