(GD&TĐ) - Không như những trẻ em ở thành phố, nghỉ hè đồng nghĩa với việc được cha mẹ đưa đi chơi, thư giãn hay đơn giản là ở nhà nghỉ ngơi sau một năm học dài căng thẳng. Những em nhỏ ở các làng biển vùng Gò Công (Tiền Giang) mà tôi qua phải oằn người vất vả trong cuộc mưu sinh nhiều gian khó ngay trong kỳ nghỉ hè của mình với một mong ước giản đơn mà thiết thực, kiếm chút tiền ít ỏi để theo đuổi giấc mơ con chữ khi năm học mới bắt đầu, từ những con cá, con tôm nhỏ nhoi trên cảng cá quê mình. Với hầu hết các trẻ em làng biển, nghỉ hè đồng nghĩa với vất vả mưu sinh cơm áo.
Những em bé làng chài |
Chỉ là phụ giúp gia đình
Giữa trưa, lẫn trong dòng người hối hả đang vận chuyển thủy hải sản từ dưới ghe thuyền lên cảng, chúng tôi thấy rất bất ngờ vì có cả những bóng áo trắng đồng phục với cả tên trường lớp ở trên lưng. Hỏi ra mới hay, đó là những em nhỏ theo phụ giúp cha mẹ trong những ngày nghỉ hè rảnh rỗi.
Đợi lúc nghỉ tay, chúng tôi trò chuyện với một em thì được biết. Em tên là Phạm Văn Tuấn, hiện đang học lớp 7 ở Trường THCS Vàm Láng. Tuấn kể: Bình thường, cha mẹ nhận làm bốc vác thủy hải sản thuê cho các chủ tàu ở cảng cá này. Theo đó, cứ có ghe thuyền nào cập cảng, các chủ tàu lại thuê người bốc cá lên bến cho các cơ sở sản xuất sơ chế. Ghe lớn thì thuê dăm bảy người, ghe nhỏ thì vài ba người. Ghe nào nhiều cá, mực, ruốc thì có khi phải bốc cả vài tiếng đồng hồ mới xong. Ghe ít thì chừng một tiếng. Mỗi ghe, chủ họ khoán thẳng cho các thợ bốc xếp một số tiền nhất định rồi mọi người cùng chia nhau.
Vì thế, nghỉ hè năm nay em ra đây làm cùng cha mẹ bởi công việc thực sự cũng không có gì nặng nhọc cho lắm, chỉ phải chịu khó một chút vì mùi cá, mực ướp đá dưới khoang lâu ngày rất khó chịu. Mặc dù không có năng suất lao động bằng người lớn nhưng em cũng được tính một nửa công. Thế nên, nếu một ngày chăm chỉ, Tuấn cũng có thể kiếm được dăm chục ngàn phụ giúp cha mẹ nuôi các em rồi.
Tuy nhiên, ở cái cảng cá lớn nhất tỉnh Tiền Giang này không chỉ có một mình Tuấn mà còn có rất nhiều bạn bè khác cùng trường em hiện nay cũng đang là “đồng nghiệp” của em. Cũng như Tuấn, các bạn ấy cũng tranh thủ ngày nghỉ hè ra cảng phụ giúp cha mẹ kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Đó là em Nguyễn Văn Thành, học sinh lớp 9 Trường THCS Vàm Láng.
Ngồi xuống bên mạn chiếc ghe sơn màu xanh đỏ, Thành cho biết, do cha em mất sớm trong một lần đi biển cách đây 2 năm bỏ 3 mẹ con em giữa cuộc sống bộn bề lo toan. Hàng ngày, mẹ ra cảng Vàm Láng làm công nhân sơ chế cá cho các chủ tàu để kiếm tiền nuôi hai anh em ăn học. Nghỉ hè, thấy mẹ vất vả nên Thành cũng ra đây phụ giúp mẹ. Vì chưa đủ tuổi lao động nên không chủ tàu, chủ vựa cá nào nhận em làm công nhân cả. Em chỉ quanh quẩn nhặt cá rơi vãi hay đôi lúc khiêng cá từ dưới boong tàu lên bến cho người lớn, kiếm chút tiền mà thôi.
Vừa nhìn ra phía vịnh Đồng Tranh mênh mông sóng vỗ, Thành vừa ngậm ngùi: Em chỉ mong mỗi ngày làm ở đây kiếm vài chục ngàn phụ giúp mẹ nuôi em và dành dụm vào năm học mới có tiền mua sách vở mà thôi. Nghe mọi người nói, lên cấp 3 học tốn tiền lắm mà mẹ em làm từ sáng tới tối cũng chỉ đủ nuôi hai anh em mà thôi. Chỉ sợ cuộc sống khó khăn, em phải bỏ học giữa chừng và dang dở mất giấc mơ được làm kỹ sư xây dựng của mình mà thôi.
Vì thế, ở cảng này, ai bảo làm gì Thành cũng làm. Nhiều lúc, không có ghe cập cảng mà chỉ có ghe ra khơi, em lại phải vận chuyển đá, nước ngọt và phao lưới lên thuyền thuê cho các chủ tàu. Công việc có vất vả hơn nhưng nhiều chủ tàu thương, có khi cho em cả trăm ngàn một buổi bởi với họ, được một cậu bé năng động, vui tính, chăm chỉ như em tiễn ra khơi có khi lại thuận lợi, tháng sau cập bến cá tôm nặng khoang thuyền cũng nên.
Những tiếng cười buồn
Có thể với nhiều em nhỏ, được vui đùa bên những bãi cát dài trong kỳ nghỉ hè là một niềm hạnh phúc lớn lao nhưng với những đứa trẻ làng chài ấp Chợ này thì nghỉ hè lại là dịp để ra bãi biển làm việc. Những em nam như Tuấn, Thành thì có thể bốc vác hay làm những việc nặng nhọc khác chứ như Thùy Dung, học sinh lớp 9 Trường THCS Vàm Láng thì chỉ biết theo mẹ đi vá lưới mà thôi. Tâm sự với chúng tôi, Dung bảo, cả năm cầm bút đi học, nay cầm kim, lưới nên em lóng ngóng lắm, mấy lần bị đâm vào tay, chảy máu đầm đìa mà vẫn phải giấu mẹ để cố gắng làm việc vì sợ mẹ buồn. Cha Dung sau một chuyến tai nạn biển cách đây mấy năm đến giờ chỉ còn quanh quẩn ở nhà chứ không làm được bất cứ việc gì giúp gia đình nữa. Thương mẹ và các em, Dung phải ra đây kiếm tiền giúp gia đình.
Hỏi chuyện các bạn bè cùng lớp, Dung cười buồn bã, buông mành lưới bảo: Hồi trong năm học, mấy đứa ngồi cùng bàn với em đã tính nghỉ hè sẽ cùng nhau bắt xe buýt lên Sài Gòn chơi một chuyến cho vui. Nhưng sau đấy thấy hoàn cảnh nhà mình khó khăn quá, em phải kêu bệnh để ở nhà rồi lén ra đây giúp mẹ. Thực sự, em cũng thích lên Sài Gòn lắm mà chưa có dịp. Mấy người lớn bảo, chỉ cần đi qua phà Mỹ Lợi sang bên phía Cần Đước rồi đi xe buýt xíu nữa là tới Sài Gòn rồi mà em chưa có dịp đi. Hi vọng năm sau có tiền, em sẽ đi chơi cùng các bạn ấy.
Em Tuấn đang phụ giúp cha mẹ mình khiêng cá |
Đi dạo quanh những bãi cát dài của vùng biển ven vịnh Đồng Tranh danh tiếng này, chúng tôi thấy không khí làm việc ở khắp nơi đều khá khẩn trương và nhộn nhịp. Từ cảng cá đón những chuyến tàu đầy ắp thủy hải sản cho tới những mành lưới đang được sửa sang lại để chuẩn bị cho những chuyến biển tiếp theo cho tới những giàn phơi cá cắm dọc bờ biển. Từ những phên cá cơm, cá hố, cá nục cho tới mực ruốc đều được sơ chế, phơi khô chuẩn bị đem bán.
Và, lẫn trong đó, chúng tôi vẫn thấy những bộ đồng phục đang cặm cụi làm những công việc của riêng mình. Mặc dù không cần phải hỏi nhưng cũng như những bạn nhỏ mà chúng tôi mới gặp ở phía bên kia, các em cũng đang cố gắng tiết kiệm thời gian để lao động phụ giúp đời sống của gia đình mình. Ở cái tuổi 14, 15 như các em, nhiều bạn nhỏ khác có thể chưa phải bận tâm vì nỗi lo đồng tiền nhưng với con em những ngư dân nghèo, các em đã sớm nhận thức được trách nhiệm của mình. Ở đó, không chỉ là phụ giúp gia đình, các em còn góp phần công sức của mình để lo cho các em, cho những người thân trong gia đình.
Thế nhưng, dù bất cứ lý do gì, nhìn những bóng người nhỏ bé còn mang trên lưng bộ đồng phục in rõ cả tên lớp, tên trường ấy mà chúng tôi bất giác không nén khỏi tiếng thở dài. Tiếng thở dài như bao đời nay ở các làng biển cứ quấn lấy số phận những ngư dân nhỏ bé ấy, từ đời này qua đời khác rồi.
HOÀNG THỊ GIANG