Trước kiến nghị bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, PGS.TS Lê Văn Học cho rằng:
Tiến tới 1 kỳ thi, đó là thi tốt nghiệp THPT phải với điều kiện kiểm soát kỳ này một cách nghiêm túc, để đảm bảo sự công bằng giữa các vùng miền, cũng để tuyển được các thí sinh vào ĐH, CĐ có năng lực học tập tốt, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện nay, vẫn còn chênh lệch học lực giữa các vùng miền. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng ..., học sinh học tốt hơn, vì điều kiện học tập tốt hơn, điều kiện kinh tế xã hội khá hơn, gia đình chăm chút hơn.
Bên cạnh đó, nói về đào tạo ĐH, điều kiện kiểm soát chất lượng của cả quá trình học tập nói chung còn yếu.
Do đó, trong năm nay, kể cả sang năm chưa thể gộp 2 kỳ thi quốc gia. Việc này có thể thực hiện sau năm 2015; nhưng đồng thời, cần có những cải tiến trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT; quản lý quá trình đánh giá chất lương học sinh phổ thông trong năm lớp 12 và cả năm lớp 10, lớp 11.
Đó là kỳ thi chung của cả nước, còn việc các trường xét tuyển hay tổ chức sát hạch sau khi thí sinh đăng ký vào trường, đó là quyền của các trường, vì họ có quyền tự chủ.
Ví dụ, với chỉ tiêu 2.000, trường có thể gọi vào hơn 2.000 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập 3 năm THPT. Sau đó, có thể tiến hành các hình thức sát hạch khác nhau: phỏng vấn, kiểm tra thêm 1, 2 môn phù hợp với ngành học trường đào tạo rồi loại bớt ra để lấy đúng chỉ tiêu và công bố công khai cho toàn xã hôi biết.
Kỳ sát hạch đó nếu thực hiện một cách nghiêm túc thì xã hội và thí sinh thi vào đó cũng không thể chê trách được.
Về đề nghị bỏ khối thi, PGS.TS Lê Văn Học cho rằng, nói bỏ khối thi thì sẽ thi cái gì, số lượng môn thi và tên môn thi phải rõ. Trường hợp trường xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bạ của 3 năm THPT thì khái niệm khối thi sẽ không còn.
Lúc đó, chỉ có thể lấy trọng số của môn học phù hợp với ngành nghề của trường. Ví dụ, học khối kỹ thuật có thể lấy trọng số môn Toán, Lý cao hơn môn Văn và các môn khác...
Còn khi vẫn “3 chung”, nếu bỏ khái niệm khối thi, phải xem xét các trọng số, và các kỳ thi phải thi những môn chung nhất.
Có thể ví dụ, bất cứ trường nào cũng phải thi Văn, Toán; còn lại có thể lựa chọn các môn khác như Sử, Địa, Lý, Hóa..., thì mới có thể tương đối phù hợp với tất cả các trường.