Tiền thật mua hàng giả

Tiền thật mua hàng giả
Tiền thật mua hàng giả ảnh 1
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra hàng hóa trên thị trường, nhưng hàng nhái, hàng rẻ vẫn tuồn đến tận tay người dân
 

(GD&TĐ) - Bột giặt Omot (thay vì Omo), Tedi (thay vì Tide); nước rửa chén Sinlught (thay vì Sunlight); mỳ tôm Hao Hao (thay vì Hảo Hảo); nước uống tinh khiết Lavei (thay vì Lavie)…, người mua cũng chẳng quan tâm lắm đến xuất xứ, chất lượng hàng hóa, miễn sao hợp túi tiền. Đó là một kiểu tiêu dùng vẫn gặp ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng cao, khi những người tiêu dùng ít tiền nhầm tưởng mua được hàng tốt giá rẻ... 

Tràn ngập hàng giả, hàng kém chất lượng

Chúng tôi lên rẻo cao Đồng Văn (Hà Giang), vừa đúng hôm chợ phiên. Đồng bào các dân tộc ít người trên những bản cao đổ về đây mua bán, hay chỉ là để chơi chợ. Người đông nghìn nghịt, hàng hóa cũng ken đầy. Gian hàng trợ giá (thuộc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn) nằm ngay gần chợ, nhưng chỉ có người dân thị trấn ghé vào. Với đồng bào dân tộc, dẫu có trợ giá thì hầu như vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của phần lớn người dân đối với những món đồ muốn mua.

Đi sâu vào bên trong, những sạp hàng đầy ắp hàng hóa, chủ yếu là quần áo, đồ gia dụng, bánh kẹo, thực phẩm... Túi bột gặt ghi nhãn hiệu Omot loại 4,5kg giá 60.000 đồng (nếu là Omo, loại 4,5kg này trên thị trường khoảng 160.000 đồng/túi); Bột giặt ghi nhãn hiệu Tedi, loại 3kg được chào bán với giá 40.000 đồng/túi (chính hãng Tide cùng loại giá khoảng 110.000 đồng/túi). Nước rửa chén thì bạt ngàn, cũng chỉ trên dưới chục ngàn đồng/chai, nếu không có nhãn mác gì thì còn rẻ nữa.

Kinh hãi hơn cả là các gian hàng bán bánh kẹo. Đa phần là những nhãn mác lạ hoắc, thậm chí không có bao bì gì, màu sắc sặc sỡ, nhìn qua đã biết tẩm bằng phẩm màu, tất nhiên là đừng hy vọng có niên hạn sử dụng ở đây.

Nhưng giá thì rẻ vô cùng. 3.000 đồng cũng có thể mua được một gói kẹo lấp lánh như cầu vồng sau mưa; thậm chí 2.000 đồng cũng có được túi bánh quy nho nhỏ làm thủ công. Hàng có ghi nhãn hiệu (phần lớn bằng tiếng Anh, mà nhiều từ tra mãi không ra nghĩa là gì) đắt hơn một chút, nhưng rất hiếm có loại trên chục ngàn đồng.

Đồng nghiệp của tôi mua một chai nước “Lavei”, mục đích chủ yếu là để rửa mặt, vừa mở ra đã sặc mùi chất tẩy. Không lạ, với 3.000 đồng, ở Hà Nội chỉ có thể uống một cốc trà đá vỉa hè mà thôi, lấy đâu ra nước tinh khiết với giá đó. 

Bạn đồng nghiệp đi cùng chỉ cho tôi những gói mỳ tôm đề chữ Hao Hao. Cái này lại càng không lạ, thậm chí tôi đã được dùng thử. Lần đó dưới chân núi Si Pa Phìn (huyện Mường Chà, Điện Biên), khi chúng tôi vừa ở trong bản ra, hàng quán không có, chỉ có một quán nhỏ dưới chân núi. Vào gọi mấy tô mì, ăn thấy là lạ, nhìn vỏ mới phì cười: Hao Hao chứ không phải Hảo Hảo. Cũng phải, có 2.000 đồng một tô, trong khi tại Hà Nội lúc ấy một gói mua ở cửa hàng đã 2.500 đồng. 

Muốn lựa chọn cũng không được

Chị Thào Thị Chúng (người dân tộc Mông, trú tại xã Sà Phìn, cách chợ huyện gần chục km) hôm nay cũng xuống chợ cùng chồng và cậu con trai lớn. Trên chiếc gùi nhỏ đặt trước mặt, chỏng chơ mấy mớ rau rằng, măng và những củ quả gì đó chắc lấy ở núi về. Hỏi chồng con đâu, chị chỉ tay về góc chợ, nơi mấy nồi thắng cố đang sôi sùng sục, đen kín người đứng ngồi xung quanh, nhiều người đã bắt đầu ngà ngà.

Chị khoe đã bán được hơn nửa gùi rồi, và chìa cho chúng tôi xem nắm tiền lẻ, có lẽ được hơn chục ngàn đồng. Hỏi chị định mua gì về bản không, chị bảo chút nữa ra mua cái hộp bút cho con gái đang học lớp 2 và đôi dép cho thằng anh học lớp 4.

Tôi ái ngại: “Thế này làm sao đủ, có mang thêm tiền theo không?”. Chị chỉ vào mớ lâm sản còn lại trong gùi: “Đủ mà, hết chỗ này là đủ thôi. Hộp bút mười nghìn, đôi dép sáu nghìn, vẫn còn đủ tiền mà”. Hỏi thế tiền trả rượu với thắng cố của ông chồng và ông con lấy đâu ra. Chị Chúng lại cười: “Nó có mà, nó bán được mèo từ sáng rồi, mỗi đứa mười nghìn là say mà”. Chao ôi thứ rượu 10.000 đồng là say ấy, không hiểu cái nước đem pha cồn đã kịp đun sôi chưa...

Đi một vòng chợ, hơn tiếng sau tôi quay lại chỗ cũ, quả là chị Chúng đã bán hết hàng thật. Thậm chí, mấy món đồ chị nói, cũng đã mua xong. Đôi dép nhựa tái chế, với loại đá tai mèo trứ danh nơi rẻo cao này, không hiểu đi được mấy ngày.

Cái hộp bút lòe loẹt lừa trẻ con, cầm trên tay cũng phải nhẹ nhẹ kẻo rách ngay lớp giấy bóng kính khá giòn bọc ngoài. Những món hàng không nguồn gốc, rất dễ bắt gặp ở vùng nông thôn trước đây, nay đã ít dần do hiệu quả của các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Thêm nữa, người tiêu dùng cũng đã bắt đầu có điều kiện hơn, có sự lựa chọn hơn.

Nhưng lên các chợ vùng cao, nhất là miền núi phía Bắc, những mặt hàng tiêu dùng không tên hay na ná tên gọi vẫn chiếm chủ đạo ở các sạp hàng... Với túi tiền eo hẹp, người ta còn biết lựa chọn gì nữa. Hay nói đúng hơn là không có sự lựa chọn nào khác, ngoài những món hàng mà người bán đã tính sẵn, chọn sẵn giúp cho.

Cô bạn lần đầu lên vùng cao, buột miệng hỏi: “Sao chị không vào cửa hàng trợ giá kia, có đủ hết mà lại là đồ tốt?”. Chị Chúng không cười nữa: “Đắt lắm, cái hộp bút đã 25.000đ rồi, tiền đâu mà mua”. Rồi lại vui ngay: “Mua mấy thứ này, vừa rẻ lại vừa còn tiền mua thêm mấy cái kim khâu, gói cơm cho hai đứa ở nhà”. 

Cái gói cơm bọc giấy báo, chị mở ra cho chúng tôi xem. Nhìn giống xôi ngũ sắc (nhuộm bằng lá cây) của đồng bào dân tộc Thái, nhưng rõ là cơm tẻ nhuộm phẩm xanh đỏ. Biết làm sao, nếu cơm trắng thì chắc gì trẻ con đã thích. Mà ở nơi quanh năm nghiền ngô răng ngựa ra làm mèn mén ăn qua bữa này, cơm tẻ cũng đã là món quà hiếm rồi...

Từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý 57.867 vụ vi phạm; trong đó, số vụ vi phạm về gian lận thương mại chiếm cao nhất với 40.472 vụ; vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm an toàn thực phẩm: hơn 9.000 vụ. Điều đáng nói là, không ít người tiêu dùng biết mình đang mua, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận với rất nhiều lý do: giá rất rẻ, phù hợp với túi tiền, dùng cũng tàm tạm, nhưng quan trọng hơn cả là không dùng thì cũng ít có sự lựa chọn khác…

Bắc Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ