Thủy điện nhỏ tàn phá môi trường
Những ngày qua, không riêng gì Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu (Nguyên cán bộ Viện toán học Việt Nam), mà dư luận đang tỏ ý hồ nghi và có nhiều ý kiến trái chiều về phát biểu ngược nhau của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa qua bên hành lang Quốc hội, đã được báo chi đưa tin.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng, không cho phép thủy điện dùng dù chỉ 1m2 đất rừng tự nhiên. Bộ trưởng nêu rõ quan điểm: Thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Còn Bộ Trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ.
Hiện nay, một luồng dư luận bảo vệ thủy điện, một luồng không đồng tình và cho là thủy điện phá rừng, xả lũ góp phần gây ra lũ chồng lũ.
Rừng tự nhiên có vai trò rất quan trọng trong cản lũ, chống sạt lở đất. Vì vậy, nhiều ý kiến đồng tình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không cấp đất rừng tự nhiên cho làm thủy điện nghĩa là mất rừng đó không do thủy điện. Thậm chí, thủy điện còn trồng rừng, phủ xanh đất trống, góp phần chống hạn và cắt lũ.
Ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia thủy điện - (Bộ Công thương) đưa ra những số liệu về sự phục hồi của rừng nhờ thủy điện. Năm 1995 độ che phủ rừng còn 28,2%. Năm 2019, độ che phủ tăng lên 41,89%. Tất nhiên, chất lượng rừng trồng không thể so với rừng tự nhiên. Nhưng năm 1995 ta chưa có thủy điện. Sau năm 2000 phát triển thủy điện mạnh mẽ nhất và chấm dứt trước 2012. Độ che phủ tăng lên 40,7% vào 2012. Rừng phục hồi do thủy điện, lấy bao nhiêu bù bấy nhiêu. Thủy điện có quỹ phục hồi rừng. Chi cho người dân sinh kế để họ bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản bác lại các quan điểm trên.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh nêu rõ quan điểm không đồng tình với phát biểu của hai vị bộ trưởng. "Nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là phi thực tế. Vì một khi đã xây dựng thủy điện kiểu gì cũng tàn phá rừng tự nhiên, không phải 1 mét vuông, mà là rất rất nhiều héc ta bị phá! Cách tốt nhất là loại thủy điện cóc ở miền Trung trả lại dòng chảy vốn có. Còn Bộ Trưởng Trần Hồng Hà lại càng bao biện: Quy hoạch thủy điện nhỏ - thủy điện cóc, đã chứng minh nó góp phần tàn phá môi trường qua đợt lũ vừa rồi, cần phải hủy bỏ ngay. Nếu thủy điện mà không điều tiết được lũ miền Trung thì xây để làm gì? Trong khi vùng này nhiều nắng, gió có thể phát triển điện mặt trời, phong điện thay thế".
Nhìn nhận thủy điện ở góc độ pháp luật, Luật sư Đặng Đình Bách - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững - không ủng hộ những vi phạm trong thủy điện nhỏ: "Lúc thủ lợi thì lẳng lặng, khi hậu quả xảy ra thì sợ hãi đùn đẩy! Chắc chắn phải có người chịu trách nhiệm".
Cấp phép thủy điện nhỏ là hợp thức phá rừng
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nói thẳng, cấp phép thủy điện nhỏ là hợp thức phá rừng.
Ông cho rằng, nói thủy điện không sử dụng rừng tự nhiên chính là rừng tự nhiên đã bị tàn phá. Ngay cả rừng trong khu bảo tồn cũng bị phá. Hồ sông Đà chính là rừng tự nhiên. Thủy điện cấp phép toàn nằm giữa hai triền núi, thung lũng… đó là rừng tự nhiên. Nói không tự nhiên là ngụy biện. Các anh lấy cớ đó để làm thủy điện. Ông khẳng định: Không nơi nào làm thủy điện không trong đất rừng tự nhiên.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNN, tính đến ngày 31/12/2019 diện tích đất có rừng của Việt nam là 14, 6 triệu ha (146 000 km2), trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha. Diện tích đất có rừng đủ tỷ lệ tính độ che phủ là 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ khoảng 41,89% diện tích toàn quốc. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, đó là con số tự động viên. Vì không phải có cây thì gọi là rừng. Diện tích rừng đúng nghĩa của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 385 công trình thuỷ điện đang vận hành trong tổng số 818 dự án được phê duyệt. Không dự án thuỷ điện nào mà không bao chiếm lên diện tích rừng, từ vài trăm ha cho đến hàng chục ngàn ha. Từ đó để thấy đã có hàng triệu ha rừng bị hy sinh cho thuỷ điện. TS. Nguyễn Ngọc Chu cho biết.
Hiện nay, chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình mới có khả năng điều tiết được lũ sông Hồng và không làm cạn kiệt dòng chảy. Nhưng đến khi có các thủy điện như Sơn La, Lai Châu, Sông Lô, sông Gâm, sông Thao… đã khác. Phía lưu vực cấp nước cho sông Hồng đã bị chặn, khiến mùa khô bị cạn, mạch nước ngầm thay đổi. Điều đó ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu cư dân lưu vực sông Hồng.
Theo ông, nếu muốn bảo vệ thủy điện thì nên nhìn nhận đúng về bản chất của nó. Đây là nguồn năng lượng sạch, khi chưa có nguồn điện thay thế, chúng ta vẫn chấp nhận nó cho đến khi tìm ra nguồn năng lượng mới rẻ hơn, an toàn hơn. Chấp nhận nó nhưng phải sử dụng cho khoa học.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là nhiều nhà đầu tư thủy điện nhỏ không phân tích, khảo sát về địa chất, đánh giá tác động môi trường đúng theo yêu cầu. Các hồ sơ gửi các cơ quan quản lý phê duyệt cấp phép chỉ là hình thức hợp lý hóa thủ tục.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thẳng thắn: Nói như Bộ trưởng Trần Hồng Hà là nói nước đôi. Vì thủy điện nhỏ không giải quyết được vấn đề năng lượng của Việt Nam. Trong khi đó xây dựng không an toàn, phá rừng để lại hậu họa khôn lường.
Thủy điện xả lũ không cắt được lũ
Như đã nói trên, hiện nay, chỉ thủy điện Hòa Bình có hồ chứa khổng lồ mới có khả năng điều tiết được lũ sông Hồng và không làm cạn kiệt dòng chảy. Còn lại các thủy điện nhỏ, đã không có khả năng cắt lũ mà còn gây hạn hán.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cho biết thêm: Theo thống kê chưa đầy đủ, thì các hồ thuỷ điện lưu giữ khoảng 56 tỷ m3 nước - chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ chứa nước trong cả nước. Các hồ chứa nước của thuỷ điện cắt được lũ trong mùa mưa nhỏ, nhưng tạo nên lũ lớn hơn vào mùa mưa lũ lớn. Các hồ chứa nước của thuỷ điện ngăn cản sự tuần hoàn tự nhiên của nước, làm mất sự cân bằng sự phân phối nước trên bề mặt và dưới lòng đất, từ đó dẫn đến sự biến đổi toàn bộ hệ thống sinh thái.
Mặt khác, các hồ chứa nước của thuỷ điện còn tiềm ẩn nguy hiểm làm nứt vỡ các mạch địa chất, dẫn đến động đất. Hồ chứa nước thuỷ điện Hoà Bình lớn đến 9,45 tỷ m3 cùng với hồ chứa nước thuỷ điện Sơn La dung tích 9,26 tỷ m3 là những bể nước khổng lồ có khả năng làm nứt vỡ các mạch địa chất. Hà Nội và vùng Tây Bắc sẽ đợi chờ nhiều động đất hơn trong tương lai.
Trước quan điểm của các chuyên gia thủy điện cho rằng, thủy điện xả điều tiết, không xả lũ, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu phản bác, đó là nói sai. Chính xác là xả lũ, đó là những cú đánh bồi liên tiếp khiến lũ chồng lũ. Do lo sợ vỡ đập, bảo vệ an toàn bản thân mà thủy điện xả lũ, dồn thêm nước về hạ du.
Với cách làm ẩu, kiểm soát kém, gây những hậu quả không tốt, nên dừng thủy điện nhỏ. Nhất là khu vực miền Trung địa hình dốc, việc chặn dòng chảy rồi xả ra khiến tốc độ dòng chảy nhanh mạnh hơn, trôi hết tài sản của dân và vô cùng nguy hiểm. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cho biết như vậy.