'Tiến sĩ' giả giảng dạy khắp nơi: Quy trình tuyển dụng thiếu chặt chẽ

GD&TĐ - Quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự của một số cơ sở giáo dục đang có vấn đề...

Ứng viên giảng thử trước Hội đồng tuyển dụng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: NTCC
Ứng viên giảng thử trước Hội đồng tuyển dụng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Từ trường hợp dùng bằng tiến sĩ giả để đi dạy tại nhiều trường đại học, thậm chí ứng tuyển vào vị trí quản lý các khoa đào tạo cho thấy quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự của một số cơ sở giáo dục đang có vấn đề..

Phải lập hội đồng tuyển dụng

Ngày 28/11, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức khai mạc kỳ tuyển dụng viên chức đợt 2 năm 2023 với sự tham gia của 6 ứng viên. Các ứng viên tham gia giảng thử trước Hội đồng tuyển dụng để đảm bảo tính công bằng cho các ứng viên và bốc thăm lựa chọn đề tài ngẫu nhiên. Đây là điểm mới so với các đợt tuyển dụng trước đây.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Công tác tuyển dụng viên chức được thực hiện hằng năm với số lượng và vị trí tuyển dụng được ĐH Đà Nẵng phê duyệt. Khi nộp hồ sơ, ứng viên có thể sử dụng bản sao văn bằng, chứng chỉ có công chứng.

Nếu đạt ở vòng phỏng vấn, các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ của ứng viên sẽ được Hội đồng tuyển dụng xem xét, đối chiếu kỹ. Với người có trình độ tiến sĩ phải xác minh cả lý lịch khoa học”. Với bằng nước ngoài, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng yêu cầu phải được Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT xác minh.

Hội đồng tuyển dụng của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có ban giám sát, kiểm tra sát hạch vòng 2. Theo Hiệu trưởng nhà trường, việc đối chiếu để xác định tính hợp pháp của văn bằng rất đơn giản và không mất nhiều thời gian.

“Ngoài gửi công văn đến đơn vị cấp bằng xác nhận, các trường thường tra cứu văn bằng trên dịch vụ trực tuyến của nơi cấp. Hiện nay, website của các cơ sở giáo dục đại học có chức năng tìm kiếm này, chỉ cần nhập số hiệu văn bằng sẽ cho ra thông tin về quá trình học tập, nghiên cứu của người được cấp bằng”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu cho biết.

Đối với những ứng viên chuyển công tác từ doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học khác, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng yêu cầu có giấy xác nhận của đơn vị công tác cũ trong hồ sơ tuyển dụng.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng khai mạc Hội đồng tuyển dụng viên chức đợt 2, năm 2023. Ảnh: NTCC

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng khai mạc Hội đồng tuyển dụng viên chức đợt 2, năm 2023. Ảnh: NTCC

Cẩn trọng trong tuyển dụng

PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng nhận xét, đối với trường hợp ông N.T.H dùng bằng tiến sĩ giả để ứng tuyển vào Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam, cơ sở TP Hồ Chí Minh và thử việc vị trí Trưởng khoa Công nghệ thông tin, cho thấy quy trình tuyển dụng không chặt chẽ. Thông thường, ứng viên phải chịu trách nhiệm về thông tin bằng cấp, chứng chỉ trong hồ sơ dự tuyển. Tuy nhiên, trách nhiệm của đơn vị tuyển dụng là kiểm soát, đối chiếu tính pháp lý của các loại văn bằng.

Theo PGS.TS Lê Văn Huy, cơ sở dữ liệu về thông tin bằng cấp của các trường đại học đều có thể khai thác trực tuyến. Trong tuyển dụng, hồ sơ của ứng viên phải qua nhiều khâu thẩm tra, đối chiếu.

“Trước đây, các trường còn gửi công văn đến nơi cấp bằng để xin xác nhận, nhưng giờ gần như có thể kiểm tra thông qua dịch vụ trực tuyến ngay trên website của nơi cấp. Chỉ cần có số hiệu văn bằng là có thể tìm kiếm kết quả chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có sự nghi ngờ thì cần có công văn đối chiếu để có căn cứ pháp lý”, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết.

Trước đó, tháng 9/2023, Trường ĐH Văn Lang đã miễn nhiệm chức vụ Trưởng khoa Du lịch đối với một giảng viên bị tố sử dụng bằng cấp không đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT. Theo đó, ông Lê Minh Thành bị tố sử dụng bằng tiến sĩ do trường nước ngoài cấp nhưng chưa được công nhận ở Việt Nam.

Bằng tiến sĩ ngành Quản trị học của ông Lê Minh Thành được Trường SMC tại Thụy Sĩ cấp năm 2017. Đây là chương trình đào tạo theo hình thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Từ tháng 8/2019, ông Lê Minh Thành đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang và từng đứng lớp giảng dạy thạc sĩ của trường này. Tuy nhiên, bằng tiến sĩ này chưa được Bộ GD&ĐT công nhận.

PGS.TS Lê Văn Huy cho biết, đối với bằng cấp nước ngoài, trong tuyển dụng và bổ nhiệm, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đều có công văn đề nghị Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT xác nhận đơn vị cấp bằng có được công nhận tại Việt Nam hay không.

Về vấn đề này, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thông tin, việc kiểm soát của Bộ GD&ĐT Việt Nam đối với các chương trình liên kết được thực hiện thông qua công nhận bằng. Nếu người học và đơn vị sử dụng lao động không cần kiểm định, công nhận bằng thì bỏ qua khâu này.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người học và phụ huynh biết danh sách những chương trình hoặc cơ sở đào tạo nào ở nước ngoài được đánh giá kém chất lượng. Việc này sẽ giúp người học và đơn vị tuyển dụng có đầy đủ thông tin về giá trị bằng cấp của các chương trình liên kết, đào tạo tại nước ngoài.

PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu có quy mô toàn quốc về văn bằng, chứng chỉ phục vụ cho công tác quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đơn vị tuyển dụng và người dân không thực hiện công tác tra cứu thì kho dữ liệu không có tác dụng nhiều. Đơn cử hiện nay, cùng với việc số hóa giáo dục, website của các trường đại học đã có chức năng tra cứu văn bằng, chứng chỉ nhưng rất ít đơn vị khai thác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.