Ngày chị cưới, khách khứa xì xào, người khen chị tốt số, tưởng ế chỏng chơ, ai dè vớ được anh chồng đẹp trai quá mạng. Người tiếc rẻ, nói chị nên ở vậy cho rồi, tài giỏi vậy lấy chi anh chồng vô tích sự, bốn mươi tuổi còn bám váy mẹ…
Chị không tiếc tiền sắm cho anh xe xịn, quần áo hàng hiệu, còn bỏ ra số vốn lớn để anh làm cò nhà đất. Mâm cơm chị nấu bao giờ cũng là món anh thích… Chị tin trên đời chẳng có cô gái nào chiều anh như chị.
Chị mang bầu bốn tháng, chới với khi nghe anh ra ngoài “tòm tem”. Em gái chị hùng hổ chở chị tới nhà “con hồ ly tinh”. Cô nàng trơ mặt thách thức: “Tôi là muỗng dừa, chị là chén kiểu, cứ chọi thử xem ai tan nát. Tôi lên cơ quan chị quậy banh cho coi”. Chị lẳng lặng quay về, thấy mình hèn đi một chút.
Ngày chị sinh con, một mình tay xách nách mang đi bệnh viện. Gọi cho anh, nghe giọng lè nhè: “Gọi con em bà đi, tui biết gì chuyện sanh đẻ mà vô đó”. Chị trào nước mắt thương mình, thương con. Nó chưa ra đời đã bị cha ghẻ lạnh. Những ngày hậu sản, chỉ có cô giúp việc bên cạnh, vì anh còn bận chuyện làm ăn, khuya lơ khuya lắc mới về, có khi còn biến đâu mất suốt mấy ngày. Làm ăn gì không biết, chỉ nghe anh nói đang cần hai tỷ. Chị vừa nói không có, liền nhận cái tát tai chúi nhủi từ anh.
Hôm sau anh về nhà, thấy tờ đơn ly hôn chị để sẵn trên bàn, liền cười giả lả: “Gì mà nghiêm trọng vậy em, anh hơi nóng thôi mà”. Anh bế con gái, nựng nịu: “Mẹ muốn bỏ ba kìa con, con năn nỉ mẹ giùm ba đi, kẻo tý tuổi đã không có cha tủi lắm à”… Mấy ngày sau, chị chuyển cho anh hai tỷ đồng.
Em gái tức thay chị, nói bà khùng vừa thôi. Chị cười buồn, có lẽ tại ngày cưới, trước bàn thờ gia tiên, chị đã nguyện: “Xin cho vợ chồng con ăn đời ở kiếp, khổ mấy cũng chịu”, nên giờ khổ mà dứt mãi không ra. Con em chịu hết nổi, đùng đùng bỏ về. Bạn bè cũng nói chị hết thuốc chữa. Chị bơ vơ trong cuộc chiến… giữ chồng. Đôi lúc dừng xe ở ngã tư lúc đèn đỏ, dòng người nườm nượp ào qua trước mặt, chị cảm giác như thể không còn đường đi. Bế tắc. Không dưng, nước mắt chị tuôn ướt má.
Ảnh minh họa |
Con gái mười tuổi, chị hay tin nhân tình của anh vừa sinh con trai. Anh tỉnh bơ: “Bà không sinh được con trai thì để người ta sinh giùm. Tui không bỏ bà là được”. Hỏi vốn liếng còn bao nhiêu. Anh nói lỗ vốn hết rồi. Chị xỉu, phải nhập viện. Nhỏ em ào tới, nhìn chị không còn chút sức sống, nó nghẹn ngào: “Bỏ đi chị ơi. Không có thằng chả, mẹ con chị cũng sống được mà”.
Hai ngày sau, chị nghe tin anh sắp tổ chức đám cưới với cô gái kia, vì con trai họ mới là cháu đích tôn, mẹ nó phải có danh phận. Chiếc giường chị nằm bỗng dưng như trôi tuột xuống vực thẳm.
Lần này, chị quyết tâm quật lại. Đã làm, phải làm cho tới. Bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt của chị, lẽ nào để anh mang cho gái quá dễ dàng. Chị viết thư để lại cho em gái, dặn em nuôi con giùm chị. Chị giấu con dao trong giỏ, tìm tới nhà hàng họ sắp tổ chức tiệc cưới, bình tĩnh vào quán đợi. Trợ thủ của chị còn có bốn thanh niên bặm trợn.
Không dưng, có tiếng cãi cọ làm chị giật mình. Đó là tiếng cô chủ quán rầy hai bà cháu bán vé số. Đứa bé có lẽ khát quá nên lấy nước thừa của khách đổ sang ca của nó, làm đổ bình trà. Bà cụ rối rít xin lỗi. Chị mời hai bà cháu ly nước. Bà cụ kể, mẹ nó rạch mặt vợ bé của ba nó nên đi tù. Ba nó đi luôn không về. Bà già lụm cụm rồi cũng phải ráng mà cưu mang nó…
Tim chị hẫng một nhịp, bàng hoàng. Nếu chị đi tù, con chị có thể như con bé kia, bơ vơ không cha không mẹ, mất hết tương lai. Vì một người bội bạc, chị đánh đổi đời con, đời mình, liệu có đáng không?