Tiêm rồi vẫn lo

GD&TĐ - Ngày 28/12, hàng loạt nước châu Âu bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, đánh dấu một thời khắc lịch sử.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, mối lo sợ đại dịch không hề giảm đi khi nhiều nước đang buộc phải tái phong tỏa toàn quốc do bùng phát dịch trong khi biến chủng mới của virus từ Anh khiến cả thế giới lo ngại.

Những lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên đang được triển khai tại 27 nước EU là do hãng dược phẩm BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) sản xuất. Do năng lực phân phối nên số người được tiêm chủng đợt đầu ở mỗi nước khá giới hạn và phải sang đầu năm 2021 mới có thể triển khai tiêm trên diện rộng cho người dân. Ổ dịch châu Âu hiện ghi nhận hơn 16 triệu ca mắc và hơn 336.000 người tử vong vì Covid-19.

Trong khi đó, một loạt quốc gia từ châu Âu cho tới châu Á đang liên tiếp phát hiện các ca nhiễm biến chủng virus Corona có nguồn gốc từ Anh. Sau Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hà Lan, Đức và Italy ở châu Âu tìm thấy ca nhiễm biến chủng này, đến lượt Canada, Australia và Libăng ở các châu lục xa xôi cũng đã ghi nhận người bệnh mang biến chủng từ xứ sở sương mù.

Hiện Nhật Bản đã phải đóng cửa không cho nhập cảnh đối với người đến từ tất cả các nước để phòng ngừa biến chủng mới, sau khi phát hiện những trường hợp đầu tiên hôm 25/12. Nước láng giềng Hàn Quốc hôm 28/12 cũng xác nhận đã phát hiện 3 người từ Anh nhiễm biến chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao hơn thông thường 70%. Sự kiện này đang đẩy Hàn Quốc vào thế phải cảnh giác cao độ với đại dịch. 

Một loạt nước khác sau thời gian tạm yên ắng đang đột ngột căng thẳng trở lại vì đại dịch trong những ngày gần đây. Tại Thái Lan, số ca Covid-19 tăng mạnh từ giữa tháng 12 khiến tình hình nghiêm trọng hơn đợt bùng phát lây nhiễm hồi đầu năm. Nước này chưa phong tỏa toàn quốc mà chia ra thành các khu vực với mức độ hạn chế khác nhau để phòng dịch.

Tại Israel, lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba có hiệu lực từ ngày 28/12 sau khi số ca mắc mới đột ngột tăng nhanh. Song song với biện pháp cứng rắn này, Israel đang lên kế hoạch tiêm chủng cho một phần tư dân số, tương đương 2,25 triệu người trong vòng một tháng nữa để đẩy lùi dịch bệnh. Hiện nước này ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm và hơn 3.200 ca tử vong, trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất khu vực.

Trong khi đó tại Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, lễ đếm ngược mừng năm mới mang tính biểu tượng của thế giới diễn ra tại Quảng trường Thời đại New York năm nay sẽ cấm người dân tham dự.

Đây là quyết định bất khả kháng khi thành phố này đang phải huy động khoảng 20 chiếc xe rơ-moóc đông lạnh để bảo quản thi thể người tử vong vì Covid-19 do các nhà xác đã bị quá tải, một hình ảnh phản ánh chân thực tình hình dịch bệnh tại Mỹ hiện nay.   

Trên phạm vi toàn cầu, tính đến ngày 28/12 đã có hơn 80 triệu người nhiễm và 1,75 triệu người tử vong vì Covid-19. Nhưng Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, đây chưa phải là đại dịch cuối cùng của nhân loại, vì dịch bệnh đã trở thành một phần của cuộc sống.

Theo ông, mọi nỗ lực ngăn ngừa đại dịch trong tương lại sẽ thất bại nếu con người không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ động vật hoang dã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ