Tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19: Ánh sáng cuối đường hầm

GD&TĐ - Tính đến ngày 22/2, số người chết do Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 500 nghìn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, tình hình đại dịch tại nước này đã có dấu hiệu khả quan khi số ca nhiễm mới đang giảm đều đặn trong khi số người được tiêm chủng vắc-xin ngày càng tăng.

Con số người tử vong vì dịch tại Mỹ tương đương dân số của thành phố Atlanta, đô thị đông dân nhất của bang Georgia. Tương quan so sánh này cho thấy, mức độ nghiêm trọng của Covid-19 đối với nước này trong hơn một năm qua. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ tính đến ngày 22/2 đã vượt quá 28 triệu người và cũng là nước dẫn đầu thế giới. 

Nhưng dấu hiệu tích cực đang xuất hiện trong những ngày gần đây khi số ca mắc mới trung bình mỗi ngày giảm liên tục. Hôm 12/2 vừa qua đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều tháng số ca mắc mới mỗi ngày tại Mỹ giảm xuống dưới 100 nghìn.

Một trong những lý do quan trọng giúp biểu đồ dịch bệnh tại Mỹ có xu hướng đáng mừng là do tốc độ tiêm chủng vắc-xin đang được đẩy mạnh tại nước này. Dù vậy, giới chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục các biện pháp phòng ngừa để làm chậm thêm sự lây lan của virus vì đại dịch vẫn còn nguyên mối đe dọa.

Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của chính phủ Mỹ về bệnh truyền nhiễm, phỏng đoán đến năm 2022 người dân nước này sẽ vẫn phải đeo khẩu trang để phòng bệnh. Tuy vậy, ông cũng dự báo đến khi đó các biện pháp chống dịch sẽ được nới lỏng rất nhiều so với hiện nay do số người được tiêm chủng sẽ chiếm tỷ lệ cao trong dân số.

Cũng theo bác sĩ Fauci, nước Mỹ cần có khoảng 70% - 80% dân số đạt miễn dịch với virus Corona thông qua tiêm chủng hoặc khỏi bệnh để tiến tới tình trạng miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, Viện Thông số và Đánh giá Y tế Mỹ tính toán nước này chưa thể đạt được cột mốc miễn dịch cộng đồng này trước mùa đông năm nay.

Dù còn nhiều thách thức nhưng cuộc chiến chống dịch tại Mỹ đã thấy ánh sáng cuối đường hầm ngày càng rõ ràng hơn. Con đường tiến đến tình trạng bình thường trở lại chỉ còn là vấn đề thời gian. Tương tự như vậy, Israel cũng đang chứng kiến nhiều dấu hiệu khả quan sau khi nước này có tốc độ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới.

Israel đang tiến gần đến hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 60% dân số ngay trong quý 1 năm 2021. Tính đến trung tuần tháng 2, đã có hơn 3 triệu người tương đương 1/3 dân số Israel được tiêm 2 mũi vắc-xin của BioNTech-Pfizer và nước này trở thành quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất toàn cầu. Đây cũng là loại vắc-xin tốt nhất hiện nay với hiệu quả ngừa bệnh tới 98%.

Hiện, số ca mắc mới và nhập viện do Covid-19 tại Israel đang giảm đi từng ngày, đặc biệt là trong nhóm tuổi được ưu tiên tiêm chủng. Đây là minh chứng và hình mẫu cho cả thế giới về hiệu quả của việc tiêm chủng đối với cuộc chiến chống đại dịch. 

Kể từ ngày 21/2, cuộc sống tại Israel dần trở lại bình thường khi các trung tâm thương mại, thư viện, bảo tàng, giáo đường cùng nhiều dịch vụ khác bắt đầu được tái mở cửa. Toàn bộ hệ thống giáo dục nước này cũng sẽ được hoạt động trở lại từ đầu tháng 3 tới.

Tình hình tại châu Âu và nhiều nước khác đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cũng chứng kiến những dấu hiệu lạc quan tương tự. Dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo cần phải kết hợp giữa tiêm chủng với các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách mới có thể sớm đẩy lùi hoàn toàn được đại dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.