Tiêm chủng “thần tốc”

GD&TĐ - Ngày 12/9, Hà Nội lập kỷ lục tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 với hơn 573 nghìn mũi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cộng dồn tới tối 12/9, toàn thành phố đã sử dụng hơn 4 triệu trong tổng số gần 4,6 triệu liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 89%.

Kết quả này là công sức của lực lượng y tế thành phố và đặc biệt là sự trợ giúp của đội ngũ y bác sĩ được các địa phương như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình… cử về Hà Nội “giúp một tay” chống dịch.

Đằng sau kỷ lục đáng mừng này là câu hỏi: Làm thế nào các địa phương khác cũng đạt được tốc độ tiêm chủng “thần tốc” như vậy khi vắc-xin phòng chống Covid-19 sẽ về dồn dập trong 4 tháng cuối năm để chúng ta nhanh chóng khống chế được dịch bệnh?

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 (không tính nguồn COVAX).

Trong đó, vắc-xin sẽ về rất nhiều trong tháng 9, dự kiến hơn 20 triệu liều. Như vậy, nước ta đang đứng trước cơ hội mở rộng độ bao phủ vắc-xin và dần mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên, năng lực bảo quản vắc-xin của các địa phương còn nhiều hạn chế và tốc độ tiêm chủng còn chậm so với số lượng được phân bổ.

Ngay tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) hiện chưa có trang thiết bị để bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ âm sâu như Pfizer. Dung tích kho lạnh, tủ lạnh, hòm lạnh… hiện có chưa đủ để bảo quản vắc-xin các loại từ các nhà sản xuất khác nhau với số lượng lớn khi cần thiết. Các trạm y tế trên địa bàn Thủ đô có 488 tủ bảo quản sức chứa 2.500 liều/tủ nhưng 69 chiếc đang bị hỏng, chờ sửa chữa.

Thủ đô còn như vậy thì mối lo quá tải năng lực bảo quản vắc-xin ở nhiều tỉnh, thành phố khác, nhất là những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chắc chắn còn lớn hơn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tiêm chủng quốc gia, tốc độ tiêm của một số tỉnh, thành phố còn chậm so với số lượng vắc-xin được phân bổ. Ngay trong một địa phương cũng xảy ra tình trạng có địa bàn tiêm nhanh do làm tốt công tác tổ chức và ngược lại có nơi tiêm rất chậm.

Tới đây, nhiều loại vắc-xin phòng Covid-19 có nhiệt độ bảo quản khác nhau sẽ về nhiều, về dồn dập. Trong đó có vắc-xin Pfizer với điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo và phải qua công đoạn rã đông, từ khi rã đông đến khi hết hạn sử dụng chỉ có 1 tháng và không thể đông ngược trở lại.

Vắc-xin Moderna cũng vậy, còn vắc-xin AstraZeneca hạn sử dụng chỉ trong 6 tháng… Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết với các địa phương phải nâng cao năng lực bảo quản và năng lực tiêm để sẵn sàng bước vào đợt cao điểm của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Chúng ta rất khó khăn mới có được vắc-xin – vũ khí chiến lược để chống dịch.

Nếu không bảo quản tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin; nếu để hết hạn sử dụng mà chưa tiêm được thì vô cùng lãng phí và đáng tiếc. Nguy hiểm hơn, nếu không tiêm chủng với tốc độ thần tốc, rủi ro dịch bệnh sẽ càng khó lường và chúng ta sẽ chậm trễ trong việc mở cửa lại nền kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.