Tối ngày 17/8 vừa qua, một cặp vợ chồng sống ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Chữ thập đỏ trong tình trạng sốc, hạ huyết áp…
Sau 1 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, cặp vợ chồng đã được điều chuyển đến phòng chăm sóc khẩn cấp của Bệnh viện số 1 tỉnh Chiết Giang nhưng người vợ kém may mắn đã tử vong trên đường chuyển viện.
Theo thông tin ban đầu, người chồng tên là Hu, 44 tuổi, hiện đang làm kinh doanh nhà hàng và điều hành một số doanh nghiệp khác. Họ có 2 người con trai và đang sinh sống tại Hàng Châu.
Tối ngày 17/8, vợ chồng anh Hu bỗng nhiên cảm thấy đau dạ dày khủng khiếp, vì vậy họ đã gọi điện cho 1 người cháu trai tên là Xiao Zhang đến đưa đi cấp cứu.
Người cháu đã nhanh chóng đưa cô chú của mình đến cấp cứu ở Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu. Khi đến viện, anh Hu vẫn còn nhận thức, anh kể với bác sĩ rằng vào đêm hôm trước (16/8), vợ chồng anh có ăn lạc, dù thấy lạc bị mốc một chút nhưng họ tiếc tiền nên vẫn ăn hết, cuối cùng là ngày hôm sau bắt đầu thấy đau bụng.
Qua thăm khám, các bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán anh Hu đã bị ngộ độc thực phẩm, nhưng vẫn chưa chắc chắn về nguồn gây ngộ độc, nên cần phải kiểm tra thêm. Điều đáng buồn nhất là người vợ của anh Hu đã không qua khỏi.
Mặc dù nguyên nhân thực sự của ngộ độc vẫn chưa được xác nhận, nhưng theo các bác sĩ của bệnh viện thì khả năng vợ chồng anh Hu nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì trước đó đã ăn nhiều lạc mốc. Theo bác sĩ, trong lạc mốc có thể chứa aflatoxin, là một chất cực độc. Độc tính của aflatoxin cao gấp 68 lần so với thạch tín và 10 lần so với kali xyanua, phá hủy mô gan nghiêm trọng.
"Chỉ 1mg aflatoxin cũng đủ để gây ung thư, 20mg đủ để gây tử vong. Aflatoxin chính là một sát thủ dấu mặt mà nhiều người không thể ngờ tới", bác sĩ nói.
Vì tiếc của, nhiều người chỉ ném bỏ phần mốc của lạc và vẫn ăn những phần khác bình thường nhưng họ lại không biết rằng chất độc này đã nhiễm sang cả những phần không có biểu hiện hư hỏng của lạc.
- Bánh mì: Rhizopus stolonifer hay nấm mốc đen trên bánh mì và các loại bánh nướng có thể khiến bạn bị ngộ độc hay nhiễm trùng.
- Gạo hỏng: Đừng nghĩ rằng gạo bị hỏng hay mốc một chút chỉ cần nấu chín sẽ an toàn. Gạo khi đã hỏng có khả năng sinh độc tố cao nhất.
- Mứt và thạch: Độc tố nấm mốc trên mứt, thạch có thể xuất hiện ngay cả khi bạn đã loại bỏ phần bị mốc. Do đó nếu đã lên mốc thì bỏ hoàn toàn món ăn.
- Thực phẩm độ ẩm cao: Thịt nguội, phô mai, thịt xông khói, xúc xích, hot dog, thịt ăn thừa, thịt hầm, ngũ cốc đã chế biến, mì ống đã nấu, sữa chua và kem chua, đều rất dễ bị vi khuẩn nấm mốc tấn công.
- Những loại củ quả mềm, nhiều nước: Không nên ăn những loại củ quả như mận, dâu tây, dưa leo, cà chua… bị mốc vì chúng sẽ khiến cho bạn sẽ gặp vấn đề về tiêu hoá.
Những nguyên tắc vàng để đảm bảo sức khỏe khi ăn uống:
- Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch.
- Kiên quyết vứt bỏ những thực phẩm bị mốc vì việc rửa bằng nước hay cắt bỏ phần mốc không thể tiêu diệt hoàn toàn aflatoxin.
- Nấu chín kỹ thức ăn, ăn ngay sau khi nấu.
- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín.
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác.