Tiệc “mừng tiến sĩ” và cái giá khi ở lại nước ngoài

GD&TĐ - Giới trí thức trẻ Việt đang giảng dạy tại các trường đại học, hoặc công tác tại các viện nghiên cứu khoa học, các cục, vụ tại các bộ, ngành thích săn học bổng đi Tây nghiên cứu khoa học, làm luận án thạc sỹ hoặc tiến sỹ. 

Tiệc “mừng tiến sĩ” và cái giá khi ở lại nước ngoài

Mục đích đầu tiên của việc săn học bổng sau đại học là muốn học lên cao, khẳng định bản thân, nâng cao học vị, học hàm, nhưng cũng không ít người muốn nhân dịp có học bổng đi Tây, sẽ vừa học, vừa kiếm cơ hội định cư ở trời Tây.

Có hãnh diện trong tiệc “ăn mừng”?

Nguyễn Nhật Dương công tác ở một trường đại học tại Hà Nội, nhận được học bổng sang Bỉ làm nghiên cứu sinh ngành Dược, bậc thạc sỹ. Làm thạc sỹ xong thì anh tiếp tục xin được ở lại học để làm luận án tiến sỹ. Dương đón cả vợ và hai con sang Bỉ sống cùng với mình. Học bổng Vương quốc Bỉ cấp cho anh đủ để anh nuôi vợ và hai con. Năm 2016, Dương làm luận án tiến sỹ. Anh mời một số bạn bè người Việt Nam tới dự Lễ bảo vệ luận án tiến sỹ của mình và dự tiệc mừng tốt nghiệp luôn.

Tôi cứ thắc mắc, là hôm ấy mới báo cáo luận án và các giáo sư mới bỏ phiếu quyết định, thì làm sao Dương dám chắc rằng anh sẽ thành công để chuẩn bị luôn tiệc mừng? Dương bảo, thực ra nội dung luận án đã được các giáo sư nghiên cứu trước rồi, chất lượng xuất sắc. Hôm báo cáo và bỏ phiếu, thực ra chỉ như một buổi diễn mà thôi. Nghe anh nói thế thì tôi cũng thấy yên tâm.

Hôm ấy chúng tôi đến nhà anh sớm để giúp vợ chồng anh chuẩn bị thức ăn cho bữa tiệc chừng 70 người khách dự. Lẽ ra thì vợ chồng Dương nên thuê dịch vụ làm tiệc thì đỡ vất vả hơn. Nhưng nếu thuê dịch vụ thì sẽ phải chi phí đến hơn 2.000 euro. Số tiền đó đủ cho hai vợ chồng với hai đứa con Dương sống trong một tháng. Vợ chồng Dương muốn tiết kiệm nên họ tự đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu thực phẩm, nhờ bạn nấu giúp.

Lễ bảo vệ luận án tiến sỹ diễn ra lúc 3 giờ chiều, thì cả buổi sáng ông tiến sỹ tương lai phải xoay trần ra, vừa tranh thủ chở vợ ra chợ lấy thực phẩm, vừa trông con vừa cùng bạn chuẩn bị thức ăn. Trong lúc đó anh vẫn chạy vào phòng làm việc mở máy vi tính để đọc lại nội dung mình sẽ trình bày trước Hội đồng giáo sư vào Lễ bảo vệ.

Nhìn ông tiến sỹ tương lai bù đầu lên, gắt cả với vợ khi cô giục anh tìm hộ lọ gia vị, tôi thấy lo lắng và xót cho các trí thức Việt ở Tây. Lẽ ra lúc ấy, Dương phải được bình tĩnh ngồi ở một nơi không ai có thể động chạm vào mình, để tập trung cho những kiến thức khoa học mà mình sẽ trình bày và trả lời những chất vấn của các giáo sư.

Cơ hội ở lại nước ngoài có đáng giá?

Lễ bảo vệ luận án tiến sỹ của Dương diễn ra ở lâu đài Arenberg, một lâu đài cổ kính và sang trọng của thành phố Leuven (Bỉ). May mà Dương vẫn tự chủ và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ của mình. Một luận án về nghiên cứu dược phẩm mới chữa bệnh HIV. Bữa tiệc mừng tiến sỹ của Dương cũng diễn ra suôn sẻ và khách mời rất hào hứng với những món nhà làm đậm chất Việt như nem rán, chả xiên, nộm, tôm bao bột chiên, gà quay, cơm rang thập cẩm, bánh bao...

Sau khi có bằng tiến sỹ, năm 2017 Dương tiếp tục sang Hà Lan để hợp tác với một giáo sư khác ở đây, nghiên cứu tiếp tục trong dự án nghiên cứu của giáo sư. Thông thường ở phương Tây, khi một giáo sư được Chính phủ cấp kinh phí để đầu tư nghiên cứu khoa học, người đó có quyền tuyển những thạc sỹ hoặc tiến sỹ cùng ngành phối hợp nghiên cứu và giao những phần việc cụ thể cho họ. Các “trợ lý” này được vị giáo sư trả lương đàng hoàng. Lương đó từ nguồn kinh phí đầu tư do chính phủ cấp. Do đó, nhiều trí thức khoa học - công nghệ trẻ của Việt Nam tìm cách trụ lại ở Tây nhờ việc ký hợp đồng cùng nghiên cứu với các giáo sư như vậy. Họ sẵn sàng phá hợp đồng với cơ quan cũ ở Việt Nam để ở lại Tây làm việc và sinh sống cùng vợ con.

Trường hợp của Duyên thì kém may mắn hơn. Cô từng hai lần đi Tây, đều giành được học bổng nghiên cứu sinh thạc sỹ và tiến sỹ. Trong lần thứ hai, cô sang Canada làm luận án tiến sỹ ngành môi trường. Cô đưa cả chồng và hai con đi cùng. Gia đình rất muốn ở lại định cư tại Canada nên chồng cô đã bán hết tài sản ở Việt Nam, chuyển sang Canada đầu tư vào một công ty của người bạn, như vậy anh mới có tư cách vừa là nhà đầu tư vào công ty của Canada, vừa là người làm việc trong công ty do chính mình cùng đầu tư, để có thể có quyền đệ đơn xin thẻ cư trú ở nước sở tại.

Duyên đang trong quá trình học và nghiên cứu, cũng phải dừng lại, xin bảo lưu kết quả, để đi học thêm nghề điều dưỡng viên. Cô tính toán rằng, học nghề này chỉ mất nửa năm, sau đó sẽ xin đi làm ở các nhà dưỡng lão hoặc trung tâm y tế chăm sóc người cao tuổi, để có thu nhập mà trụ lại Canada. Việc nghiên cứu sinh tiến sỹ phải lui lại chưa biết đến bao giờ, nhưng Duyên coi việc đó như là một sự đầu tư cho việc cô có cớ chuyển sang Canada sinh sống. Giờ thì mục đích cư trú đã đạt được, nghiên cứu khoa học tạm gác lại đã. Kiếm sống bù đầu rồi, cô chưa thể lo tới vấn đề học hàm, học vị cho mình.

Cái giá phải trả cho việc định cư ở Tây của các trí thức ta liệu có đáng không? Chỉ người trong cuộc mới có câu trả lời chính xác nhất. Nhưng họ đã chọn ở lại Tây, họ đã chọn “cái giá” riêng rồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.