Ý nghĩa của những tích trò rối nước...
Trong số các loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam, có lẽ rối nước là loại hình thu hút trẻ thơ nhất... Sự thu hút bắt nguồn từ nghệ thuật tạo hình của các nghệ nhân dân gian. Cách tạo hình những con rối được mô phỏng 100% trong các truyện cổ tích.
Phục trang của con rối cũng phải phù hợp với nhân vật. Ví dụ như người nông dân thì đóng khố, lính tráng thì đội nón dấu, mặc bộ quần áo dài... Nhìn chung các nhân vật rối luôn có được sự ngộ nghĩnh, đáng yêu, chính điều đó là yếu tố đầu tiên thu hút trẻ nhỏ...
Theo nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long: Các tích trò rối nước dù là đơn giản nhất thì nó cũng mang lại cho trẻ nhỏ rất nhiều điều bổ ích trong quá trình khám phá, tìm hiểu về thế giới quan xung quanh các bé.
Ví dụ các tích “Em bé chăn trâu thổi sáo”, “Cấy, cầy, tát nước”, “Câu ếch”, “Đánh bắt cá” giúp cho trẻ nhỏ, nhất là các bé sinh ra ở thành phố biết được cuộc sống, lao động, sản xuất ở vùng nông thôn như thế nào... Người nông dân phải lao động vất vả ra sao mới có được hạt thóc để các bé có bát cơm ăn…
Hay các tích trò như “Đánh cáo bắt vịt” ngoài sự vui nhộn của các con rối trên sân khấu thì các em cũng có thể học được những bài học về “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”...
Trong tích trò có hai vợ chồng lão nông làm nghề chăn vịt (đại diện cho hình ảnh chăn nuôi gia cầm thanh bình của người dân). Một hôm, có con cáo gian ngoan mò đến rình bắt vịt. Con cáo bơi trên mặt hồ đuổi vịt, lúc chui vào bụi, lúc leo nhanh lên cây… cho đến khi nó vồ được con vịt tha từ dưới nước lên cây.
Ý nghĩa của tích trò là người nông dân muốn làm ra hạt gạo, củ khoai, chăn nuôi con gà, con vịt, họ phải một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Không những thế, họ phải luôn chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với các loài cầy, cáo luôn rình rập bắt gà, trộm vịt...
Tích trò “Dàn nhạc bát âm” lại giúp các bé bước đầu ghi nhận được những nhạc cụ trong dàn nhạc dân tộc truyền thống của Việt Nam được lưu giữ từ xa xưa đến tận ngày nay; Tích trò “Truyền thuyết Lê Lợi trả gươm” là một bài học lịch sử quý giá cho các bé. Khi đã được học bài học lịch sử về anh hùng Lê Lợi và thanh gươm báu, bé được xem múa rối nước về tích trò này thì càng ghi nhớ rất lâu.
Cần đưa rối nước vào trường học thường xuyên hơn
Thật vui là trong nhiều năm qua, các đoàn múa rối nước lưu động của Nhà hát Múa rối Trung ương, Nhà hát Rối nước Thăng Long và của nhiều tỉnh thành phía Bắc đã bước đầu đưa nghệ thuật múa rối nước vào học đường. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song các đoàn đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường, đưa ra nhiều ý tưởng và cách làm thiết thực, hữu ích. Khi dàn dựng chương trình múa rối nước phục vụ học sinh các đoàn đã rất chú ý đến tâm lý của từng lứa tuổi ở ba cấp học: Tiểu học, THCS, THPT.
Nghệ thuật rối nước mang đậm yếu tố dân gian đặc sắc được ra đời cách nay khoảng hơn 10 thế kỷ trong cái nôi văn hóa vùng châu thổ sông Hồng. Nghệ thuật rối nước cùng với các tích trò của nó đã ăn sâu vào tâm khảm của không biết bao nhiêu thế hệ con dân đất Việt... Trong ký ức ấu thơ của hầu hết mỗi chúng ta đều có một ngăn dành cho rối nước...
Đưa rối nước vào trường học còn giúp duy trì và phát huy, phát triển môn nghệ thuật này. Bởi vì, hiện nay, công chúng có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật mới nên họ không còn mặn mà với các loại hình nghệ thuật dân gian mà rối nước không là một ngoại lệ... Do đó, việc đưa rối nước vào môi trường học đường là một hướng đi đúng đắn của nhiều đoàn rối nước hiện nay.
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, Trưởng đoàn múa rối nước Sông Quê (Nam Định) chia sẻ: “Từ lâu, chúng tôi đã ấp ủ dự định đưa rối nước vào học đường bằng sân khấu thủy đình mi ni lắp ghép. Thông qua các tích trò, chúng tôi đưa nghệ thuật múa rối vào trường học với mong muốn mang đến cho các em học sinh một thế giới tưởng tượng phong phú để từ đó giúp các em hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ... Về phía nhà trường và các em, đó chính là sự cổ vũ, là động lực giúp những nghệ nhân chúng tôi say mê với nghề, giúp nghệ thuật múa rối nước tồn tại và phát triển...
Chủ trương đưa văn hóa dân gian nói chung và loại hình nghệ thuật múa rối nước vào trường học đã được ngành GD-ĐT thực hiện trong nhiều năm nay, bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa nhà trường và các đoàn nghệ thuật nói chung, các đoàn rối nước lưu động nói riêng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Rất mong trong thời gian tới, các nhà trường sẽ coi trọng hơn, tích cực hơn trong việc thường xuyên đưa rối nước vào môi trường học đường...!