Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn - Ảnh: HHVN |
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, sau đó vào Đà Nẵng lập nghiệp và xây dựng gia đình. Trong khoảng thời gian 10 năm từ 2005-2015, anh quyết định gắn sự nghiệp của mình với con tàu cứu nạn SAR 412, thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC). Vừa qua, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, anh vinh dự là một trong 31 đại biểu tiêu biểu của ngành GTVT tham dự đại hội.
Vượt khó giữa trùng khơi
Đặc thù công việc không thường xuyên ra biển, cũng không hay phải đi công tác xa nhà, nhưng lúc nào cũng phải túc trực trong tâm thế sẵn sàng nên thuyền trưởng Phan Xuân Sơn có rất ít thời gian về thăm quê. “Thậm chí, bạn bè tôi ở các nơi vào Đà Nẵng chơi, muốn tôi đưa đi Bà Nà, Hội An nhưng nhiều khi cũng đành từ chối vì lo biển khơi mênh mông có thể nổi sóng gây hại bất cứ lúc nào”, anh Sơn chia sẻ.
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn nhấn mạnh, thời gian công tác rất gò bó, phải thường xuyên thay nhau túc trực ở tàu, khi nhận hiệu lệnh thì chỉ trong khoảng 15-20 phút là phải lên đường ngay. Hiện nay, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải được xem là đội cứu nạn chuyên nghiệp trên biển duy nhất ở Việt Nam. Công việc cứu nạn trên biển phải đương đầu với vô vàn khó khăn, vất vả bất ngờ, bởi việc cứu nạn vốn dĩ chẳng bao giờ diễn ra theo một kịch bản đã định.
“Các tàu của trung tâm hiện nay được đóng theo dự án ORET của Chính phủ Hà Lan, tàu nhỏ và mớn nước thấp (2,3 m), trong khi việc cứu nạn thường ở điều kiện xấu, sóng to, gió lớn nên rất vất vả và nguy hiểm. Tuy nhiên, vượt qua tất cả những điều ấy, chỉ cần nghe tin báo, lực lượng cứu nạn lại sẵn sàng lên đường ứng cứu, dù cho tàu gặp nạn là tàu vận tải hay tàu ngư dân, tàu Việt Nam hay tàu nước ngoài”, vị thuyền trưởng chia sẻ và cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tại vùng đảo Hoàng Sa, nơi là ngư trường truyền thống của các ngư dân vẫn thường xảy ra tai nạn do các ngư dân của ta ra khơi không được trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật, liên lạc, cũng như còn thiếu kỹ năng và kiến thức xử lý tình huống, thậm chí có ngư dân đang đánh bắt cá còn bị rơi xuống biển, sau đó bị chân vịt của tàu chém vào bụng, tay, chân.
“Tần suất tai nạn nhiều nhưng phương tiện cứu nạn ít quá, có những thời điểm tai nạn dồn dập khiến chúng tôi không thể xử lý hết mà phải kêu gọi hỗ trợ của một số lực lượng khác”, anh Sơn nói và cho biết, mỗi lần tham gia cứu nạn đều có những cái khó khác nhau, nhưng cái khó lớn nhất là làm sao đưa người gặp nạn từ tàu gặp nạn sang tàu cứu nạn. Bởi như ở đất liền thì vận chuyển đơn giản, nhưng ở dưới biển sóng luôn cao 3-4 m, cộng với việc người đó bị chấn thương, mỗi kiểu chấn thương lại phải có cách vận chuyển khác nhau. Trên tàu có xuồng để hạ và đưa người bị nạn sang tàu, nhưng sóng cao từ 2 m trở lên thì cũng không thể hạ xuồng được nữa.
Đưa nạn nhân gặp nạn về tàu - Ảnh: Vinamarine |
Ấn tượng cờ Tổ quốc tung bay giữa Hoàng Sa
Hỏi vị thuyền trưởng với làn da rám nắng về chuyến cứu nạn mà ông nhớ nhất, anh ngập ngừng mãi và nói, mỗi lần cùng các thuyền viên ra biển cứu nạn đều là một kỷ niệm khó quên trong anh. Thuyền trưởng tâm sự: “Mỗi lần nhận lệnh đi cứu nạn căng thẳng lắm, vì biết trước rằng ngoài kia rất nhiều sóng gió, hiểm nguy. Cuộc đời của những người lính cứu nạn cũng vì thế mà luôn lênh đênh theo sóng biển, gắn với những kỷ niệm nhớ đời”.
Nhớ lại một kỷ niệm, có lẽ là một kỷ niệm buồn nhất trong chuyến cứu nạn sau cơn bão Chanchu năm 2006, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn nghẹn ngào: “Tôi nhớ mãi năm ấy, ngư dân Quảng Nam chết và mất tích nhiều lắm, vì cơn bão rất lớn. Thông thường, khi nhìn thấy tàu cứu nạn mọi người đều vui mừng, phấn khởi vì sẽ được cứu, nhưng lần đó, tàu cứu nạn ra đến nơi mà mọi thứ vẫn chùng xuống, không khí vô cùng tang thương, buồn bã, bởi lúc đó sự mất mát đã là quá nhiều rồi. Đó là cảm giác cứ ám ảnh tôi mãi cho đến bây giờ. Hiện nay, ở Quảng Nam có một làng có tới 86 ngư dân chết sau cơn bão Chanchu”.
Một kỷ niệm khác cũng khiến anh Sơn nhớ mãi là chuyến cứu nạn vào ngày 10/2/2015 vừa qua, tàu SAR 412 đã cứu 6 thuyền viên của tàu Bình Định 95427 và 5 thuyền viên của tàu Bình Định 95569 khi hai tàu này bị mắc ở bãi cạn Chim Én của quần đảo Hoàng Sa.
Theo vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm, vùng biển này rất sâu, lại nhiều bãi đá chìm mà hải đồ không được khảo sát chi tiết nên những bãi đá ngầm thể hiện không rõ khiến tàu dễ mắc cạn.
Khi tàu cứu nạn tiếp cận tàu ngư dân bị mắc cạn thì liên tục bị một tàu hải quân, một tàu hải cảnh và một máy bay của Trung Quốc cản trở. “Hai tàu Trung Quốc cứ chạy quanh tàu cứu nạn của ta với khoảng cách chỉ 100 - 200 m, trên đầu là máy bay lượn vòng quanh gây áp lực. Họ yêu cầu tàu của ta ra khỏi khu vực đó và cản trở không cho tiếp cận với tàu gặp nạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên quyết nói: “Đây là tàu cứu nạn Việt Nam, các ông không được cản trở và không có quyền cản trở”. Phía Trung Quốc tiếp tục mở súng ống trên tàu ra đe dọa, nhưng chúng tôi vẫn quyết định cho hạ xuồng cứu hộ cứu các ngư dân”, thuyền trưởng Sơn kể lại và nhấn mạnh, điều đáng nhớ nhất của lần cứu nạn đó chính là trước khi rời khỏi con tàu bị mắc cạn, ngư dân của ta đã lấy lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc treo lên cột cao nhất phía trước con tàu, sau đó mới rời đi. “Thời điểm đó, hình ảnh lá cờ Việt Nam bay phấp phới giữa quần đảo Hoàng Sa là một hình ảnh vô cùng ý nghĩa và ấn tượng mà chúng tôi không thể nào quên”, anh Sơn nói.
Thuyền trưởng vững vàng, thuyền viên không bao giờ nao núng
Theo lời kể của vị thuyền trưởng, hầu như trong chuyến ra khơi cứu nạn nào ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu của ta cũng phải đối mặt với tàu Trung Quốc và bị các tàu này cản trở. Gần đây nhất là tháng 10/2015, khi tham gia cứu 11 thuyền viên tàu Khánh Hòa 96977 tại một vùng đảo của Khánh Hòa, tàu của ta liên tục bị hai tàu hải cảnh chèn ép, cản trở. Một bên là tàu Trung Quốc liên tục đuổi và đe dọa, một bên là bãi đá cạn nên nếu không khéo léo, luồn lách, tàu của ta rất dễ mắc cạn. Hoặc trong trường hợp khác, nếu không may tàu của ta va chạm với tàu Trung Quốc, họ sẽ lại quay phim và vu vạ cho tàu Việt Nam tấn công.
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cho biết, tàu SAR 412 - con tàu được ví như cứu tinh của các ngư dân trên biển. SAR 412 được thiết kế hiện đại nhưng tầm hoạt động chỉ khoảng 250 hải lý, không đủ sức vươn đến hết cả quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, qua nhiều chuyến biển, anh cùng các thuyền viên đã sáng kiến cải tạo khoang chứa nhiên liệu, vươn tầm hoạt động lên đến 300 hải lý, bao trùm toàn bộ quần đảo. Từ năm nhận tàu (năm 2005) đến nay, tàu SAR 412 đã trải qua hàng trăm chuyến hải trình vượt sóng, vượt gió hỗ trợ và cứu nạn trên biển, cứu được hàng trăm người, trong đó có cả tàu và người nước ngoài. Bản thân thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cũng đã vinh dự nhiều lần được tặng bằng khen của Bộ GTVT, của Trung tâm Phối hợp TKCN quốc gia của các tỉnh. |
Trong những trường hợp như thế, người thuyền trưởng phải luôn đưa ra những chỉ đạo đúng đắn, những quyết sách kịp thời, quyết đoán để các thuyền viên có tâm lý vững vàng.
“Tất cả anh em thuyền viên đều có tinh thần dũng cảm. Và nếu một người thuyền trường dứt khoát, không dao động, luôn động viên anh em thì anh em không bao giờ nao núng”, anh Sơn khẳng định.
Vị thuyền trưởng cũng cho hay, đã không ít lần tham gia cứu nạn, bản thân những người trong đội cứu nạn cũng gặp nguy hiểm và phải chịu thương tích. Có khi do sóng to gió lớn nên bị va đập, bị thương, cũng có khi anh em hết mình tìm cách cứu người bị nạn trong những điều kiện vô cùng bất lợi, khi cứu được rồi thì mình bị kiệt sức đến ngất đi. Thế nhưng, bao nhiêu năm nay, không quản ngại nguy hiểm, gian nan, họ vẫn giữ những hành trình như thế.
Hỏi động lực nào đã giúp ông cùng đồng đội gắn bó với nghiệp này như thế, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cười và trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Đó là lòng yêu nghề. Chỉ có lòng yêu nghề và không sợ khó, ngại khổ, tất cả vì sự bình an của mọi người mới có thể giúp chúng tôi gắn bó với công việc này”.
Vất vả là thế, nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất dành cho các anh chính là tình cảm của những ngư dân vươn khơi bám biển, những người đã từng được chính các anh cứu giúp. Hoặc đơn giản, đó chỉ là những lời động viên, chia sẻ của vợ con, những người luôn thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của người lính cứu nạn. “Mới đây, một ngư dân vác hai bao tải cá đến gặp chúng tôi và cười tươi nói: “Em là ngư dân trước đây đã được các anh cứu. Nay em mới có dịp ra khơi trở lại, thành quả của chuyến ra khơi đầu tiên sau lần gặp nạn, em muốn dành tặng các anh, vì nếu không có các anh thì không còn có em ngày hôm nay”, vị thuyền trưởng kể, đôi mắt ánh lên niềm vui và niềm hạnh phúc.