Cuối Xuân, những cây nhót tựa bên tường cuối góc vườn bắt đầu rộ đỏ. Mấy đứa trẻ hàng xóm nhấm nháy kiệu nhau trộm từng vốc của những cành rà ra ngoài ngõ; hí hửng cất cất, giấu giấu để mang đến lớp đãi đám bạn.
Suốt cả tuần, mặc trống giục, đứa nào đứa nấy lì trong lớp thi nhau mài… nhót. Bao vảy trắng bay ra, điểm bạc lên những chiếc áo quần sẫm màu như là minh chứng cho kẻ nào sành ăn nhất…
Chuyện ấy đã xưa... Cây nhót nơi góc vườn trở thành ký ức khi thế vào khoảng xanh là nhà cao tầng hút mắt.
Đám trẻ con cũng đã lớn khôn, là những bà, những chị mà vẫn “thủy chung” với loại quả chua chua này nhưng tân tiến hơn khi biết cách thưởng thức nhót dầm đường chua ngọt, khỏi cần ngồi mài phấn nhót bay bay.
Cũng đơn giản thôi, mua nhót từ chợ về rửa sạch, đem trần nước muối nhạt đun sôi để bóc vỏ rồi cho đường và chút muối trộn đều để ngấm là có thể thưởng thức.
Có thể tùy khẩu vị cay, mặn mà điều chỉnh cho vừa miệng rồi ngâm nga: “Một ít chua thôi tựa cuộc đời/Nỗi buồn xen lẫn với niềm vui/Cũng như (em nhỉ) tình yêu vậy/Nước mắt song song với nụ cười” (bài thơ “Cây nhót” của Tế Hanh).