(GD&TĐ) - Chất lượng giáo dục tốt, con trẻ yêu quý, phụ huynh tin tưởng là mong muốn của tất cả lãnh đạo các trường mầm non và bản thân mỗi giáo viên đứng lớp. Để đạt mục tiêu trên, không chỉ cần một hiệu trưởng giỏi chuyên môn, vững quản lý mà bản thân mỗi giáo viên cũng cần xây dựng một thương hiệu cho riêng mình.
Níu chân học sinh bằng chất lượng giáo dục
Trường mầm non tư thục Họa Mi (TP Hải Dương, Hải Dương) dù mới thành lập chưa được 10 năm, cơ sở vật chất không thể sánh ngang trường công lập nhưng năm nào cũng rơi vào cảnh quá tải học sinh. Chủ trường, bà Nguyễn Minh Tân cho biết: Không chỉ các bé nhà trẻ mà trẻ 5 tuổi đang học ở trường khác cũng được phụ huynh gửi gắm tại đây. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất chỉ đáp ứng được 200 trẻ nên nhà trường phải từ chối nhiều chỉ tiêu.
Có được sự tin tưởng của phụ huynh như ngày hôm nay, theo bà Tân nhà trường phải mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu. “Thương hiệu với trường mầm non không đơn giản là trường lớp mà còn là trình độ đội ngũ giáo viên, sự chăm sóc của cô nuôi. Do vậy, nhà trường luôn đòi hỏi giáo viên phải tự làm mới kiến thức của mình” - Bà Tân chia sẻ.
Còn theo Hiệu trưởng Trường mầm non Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) Nguyễn Thanh Thêm, để lôi kéo học sinh đến trường, trước hết phải tạo được niềm tin với phụ huynh. Cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục chính là yếu tố “ghi điểm” để phụ huynh tin tưởng giao con cho trường. Từ quan điểm trên, cô Thêm đã mất hơn 20 năm, vận dụng nhiều nguồn lực để dựng lên một ngôi trường khang trang, đội ngũ giáo viên tâm huyết.
Tự làm đồ dùng dạy học cũng là cách để giáo viên mở mang kiến thức Ảnh: H. Thu |
Nghề giáo cùng cần có nghệ thuật
Chia sẻ về những thành quả sau nhiều năm cố gắng, cô Thêm cho rằng đó là ý chí và lòng quyết tâm với nghề. Nói cách khác đó là nghệ thuật sư phạm. “Nó không tự đến với ai mà chính mình phải rèn luyện nâng cao tay nghề bằng sự kiên nhẫn, góp nhặt kinh nghiệm” - Cô Thêm trao đổi.
Cụ thể, việc xây dựng cơ sở vật chất phải biết tận dụng nhiều nguồn, nhiều kênh. Để thu hút và giữ chân giáo viên, theo cô Thêm là cả một quá trình bởi những năm trước ở thị trấn, thị xã còn thiếu nhiều giáo viên nên vận động giáo viên về vùng sâu công tác đã khó nhưng giữ được giáo viên ở lại còn khó hơn. Có những cô mới về lại xin chuyển đi nơi khác, có cô mới dạy được 4 ngày lại báo bỏ việc.
Trước thực trạng trên, cô Thêm thường xuyên gặp gỡ giáo viên, trao đổi, phân tích để các cô hiểu rằng ở đâu cũng là phục vụ nhưng đối với trẻ em vùng sâu nên cố gắng vượt khó để tuổi thơ của các em được đến trường học hành như bao bạn khác.
Bên cạnh đó, cô cũng nhờ gia đình, người thân tác động… giúp giáo viên có suy nghĩ kiên định hơn. Quá trình làm việc với giáo viên vừa mềm dẻo nhưng cũng cứng rắn, quyết đoán đầy sức thuyết phục. “Với tôi, niềm vui không chỉ là mở trường, mở lớp cho các em mà những giáo viên trước kia xin chuyển công tác đều đã trở lại trường và nay đã trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có 2 giáo viên hiện nay là cán bộ quản lý” - Cô Thêm trao đổi.
Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu cho trường, kinh nghiệm của bà Tân cho thấy giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. “Thầy dạy và thầy quản lý không yếu về kiến thức chuyên môn, luôn giàu tình thương và trách nhiệm là phương châm mà lãnh đạo, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn tâm niệm và theo đuổi” - Bà Tân cho biết.
La Giang