Phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đã được xã hội thừa nhận.
Sẽ là quá khó để yêu cầu một kỳ thi “2 trong 1” mà đề thi được đánh giá toàn mỹ ở cả 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho các nhà trường.
Chính vì vậy, thành công của kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức như thế này, với bao lo toan vất vả của ngành giáo dục, cha mẹ học sinh và xã hội thì kết quả đạt được có thể bằng lòng.
Một phổ điểm trải dài từ thấp đến cao đánh giá chính xác năng lực học tập của người học, cùng với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp là 91,58%, giảm gần 6% so với năm học 2014 được các chuyên gia cho là hợp với thực tế.
Cứ nhìn vào các mùa tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây sẽ thấy ngành Giáo dục, các địa phương và xã hội vất vả như thế nào khi phải gánh một lượng thí sinh cùng với phụ huynh đi theo với số lượng rất lớn cùng một thời điểm đổ về 6 trung tâm tổ chức thi cùng những lo toan về an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm.
Còn kỳ thi năm nay, các thí sinh ở những vùng nông thôn, các gia đình nghèo chỉ phải dự thi ở ngay tỉnh mình, nếu xa lắm thì cũng chỉ sang tỉnh lân cận.
Trên cả 63 tỉnh, thành cả nước đều tổ chức thi, thí sinh dự thi ở cụm thi đại học hay địa phương chủ trì nếu có nguyện vọng đều có thể đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ (tùy theo yêu cầu của các trường ĐH, CĐ), phải nói rằng tiết giảm chi phí của thí sinh và gia đình là rất nhiều, cùng với đó xã hội cũng bớt đi những chia sẻ, các trường tổ chức thi không còn lo về tình trạng bù lỗ do hồ sơ ảo.
Nhận định của nhiều nhà giáo cho rằng thành công lớn nhất của kỳ thi này chính là thước đo giá trị. Với ý nghĩa “2 trong 1” kỳ thi đã đạt được như thế là chất lượng, là người trong ngành thì phải thấy đòi hỏi lớn hơn là điều không thể.
Cần phải nhìn nhận tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, các nhà trường đã thể hiện rất rõ khi đồng tâm, hiệp lực tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, đích hướng tới là đánh giá chính xác năng lực học sinh để có những điều chỉnh thích hợp.
Kết quả của kỳ thi đã xóa tan những nghi kỵ về sự công bằng tại cụm thi địa phương và cụm thi do các trường đại học chủ trì. Một điều hết sức ý nghĩa là phổ điểm đã đánh giá khách quan năng lực học tập của học sinh.
Từ phổ điểm cho thấy có sự cách biệt điểm thi giữa các vùng miền, giữa thí sinh dự thi cụm địa phương và cụm do các đại học chủ trì, hay ở một số môn thi như Ngoại ngữ, Toán….
Những chỉ bảo chính xác này sẽ là căn cứ để điều chỉnh việc dạy và học, lỗ hổng kiến thức phổ thông ở đâu, các nhà trường, ngành Giáo dục sẽ tìm cách khắc phục.