Thuế tăng, giá hàng hóa có tăng theo?

GD&TĐ - Theo Dự án sửa đổi 5 Luật Thuế mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến, một loạt các loại thuế quan trọng sẽ tăng, nhiều ngành hàng sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế hoặc thuộc diện điều chỉnh thuế. 

Nhiều người lo ngại khi tăng thuế, giá một số mặt hàng sẽ tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân
Nhiều người lo ngại khi tăng thuế, giá một số mặt hàng sẽ tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân

Trong đó đáng quan tâm là Bộ Tài chính sẽ tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%, vì theo lý giải của Bộ này thì hiện thuế giá trị gia tăng của Việt Nam đang thấp hơn các nước và nợ công cao…

Thuế giá trị gia tăng sẽ tăng thêm 2%

Theo Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 thì thuế giá trị gia tăng được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hoá, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu).

Theo đó, Dự án Luật Thuế đề xuất một số sửa đổi quan trọng liên quan đến các luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên.

Vì vậy, để phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế giá trị gia tăng quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất giá trị gia tăng theo một trong 2 phương án (tăng từ 10% lên 12% từ 1/1/2019, hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021). Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Ngoài ra, Luật Thuế giá trị gia tăng cũng đề xuất đưa thêm một số ngành hàng như: Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ… sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Một số hàng hoá dịch vụ như nước sạch; hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim… dự kiến mức thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ tăng từ 5% lên 6%.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt, sửa đổi được quan tâm nhất là đề nghị áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt loại xe bán tải bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xi lanh. Hiện tại, mức thuế với dòng xe này đang dao động trong khoảng 15 - 25% tuỳ dung tích. Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ngoài mức thuế suất tương đối 70% tăng lên 75% vào năm 2019, đề nghị bổ sung thêm mức tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu.

Thêm gánh nặng lên vai người dân

Ngay khi biết về Dự án sửa đổi 5 Luật Thuế của Bộ Tài chính không ít người dân, doanh nghiệp tỏ ra khá lo lắng. Đặc biệt, với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%, dự kiến hơn 500.000 doanh nghiệp và hầu hết người dân sẽ chịu tác động mạnh.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà Phát - cho rằng, mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng là cần thiết, tuy nhiên, trong trường hợp này, gánh nặng thuế sẽ đẩy cho người nghèo nhiều hơn.

Bởi nếu thuế giá trị gia tăng tăng từ 10% lên 12% thì tất cả các mặt hàng trong nước sẽ tăng giá thêm khoảng 2%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của toàn dân.

“Theo lộ trình thì thuế suất sẽ phải giảm, nhưng người dân chưa được hưởng gì từ những hàng hoá ở các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do FTA mà đã phải chịu thuế giá trị gia tăng thêm 2% sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của đại bộ phận người dân. Nếu các danh mục hàng hoá được giảm thuế vào Việt Nam mà giá thành rẻ hơn hiện tại từ 5 - 15%, lúc đó hãy tính đến tăng thuế giá trị gia tăng để bù vào ngân sách” - ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, riêng đối với xe ô tô bán tải, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 60% so với xe con là quá cao. Nguyên nhân là vì đa số các xe bán tải hiện nay đều có dung tích từ hơn 2.0L trở lên. Việc đánh thuế như vậy sẽ tác động đến thị trường xe bán tải rất lớn, vì xe đó vừa phục vụ đi lại, chở hàng phù hợp với các tỉnh miền núi, cũng như những đô thị đông dân cư.

Được biết, hiện mức thuế suất của 112 nước thì có tới 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh chúng ta như: Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Còn Philippines có mức thuế suất 15%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.