Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu: Cần có lộ trình hợp lý

GD&TĐ - Theo đề xuất mới đây của Bộ Tài chính, Chính phủ có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Điều dư luận đặc biệt quan tâm là dự thảo Luật này đề nghị nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít, hiện nay là 4.000 đồng/lít.

Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu:  Cần có lộ trình hợp lý

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng được coi là mạch máu của nền kinh tế của nước ta hiện nay. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường vào thời gian này chưa hợp lý, vì những lý do sau:

Thứ nhất, các hoạt động kinh tế - xã hội hiện nay nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào xăng dầu, nhất là lĩnh vực giao thông, vận tải, sản xuất nông nghiệp. So với các nước có hệ thống giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng phát triển thì việc lệ thuộc vào xăng dầu rất ít do được điện khí hóa, tuy nhiên ở nước ta rất nhiều lĩnh vực muốn hoạt động được đều phải dựa vào xăng dầu. Do đó, việc tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, kéo theo giá cả tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Thứ hai, quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, khí thải gây ô nhiễm chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhiều nước trên thế giới. Minh chứng là khi tham gia các hiệp định cắt giảm khí thải toàn cầu thì Việt Nam được ưu tiên, nới lỏng tỷ lệ thải khí CO2 ra môi trường so với các nước tiên tiến hoặc nước có quy mô nền kinh tế lớn. Nước ta sức dân còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế nên phải tận dụng điều này để phát triển kinh tế. Ngay như Mỹ, nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng đang muốn tăng lượng khí thải để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, thì tại sao chúng ta lại tìm cách kìm hãm?

Thứ ba, việc tăng thuế xăng dầu theo Bộ Tài chính là nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu, gây thất thu lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan thuế, cơ quan tài chính như thế nào khi để xảy ra tình trạng thất thu thuế kéo dài, ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Ngoài ra, có phải là vì do yếu kém của ngành thuế, thu không đạt kế hoạch do Quốc hội đề ra nên phải chuyển sang nguồn thu từ xăng dầu hay không? Bởi vì, ai cũng biết nói là thu thuế môi trường nhưng thực chất là thu ngân sách, vì chi cho môi trường không đáng kể, trong khi thu thuế qua xăng dầu lại quá dễ dàng!

Thiết nghĩ, việc thu thuế môi trường thông qua xăng dầu là cần thiết, tuy nhiên cơ quan chức năng không nên cứng nhắc, áp dụng mức thu quá cao có thể gây sốc cho toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo. Trong giai đoạn hiện nay, cơ quan có thẩm quyền nên triển khai việc tăng thuế môi trường theo lộ trình có thể kéo dài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ