Trước đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường xăng được Bộ Tài chính công bố đầu năm 2017 đã có đề xuất nâng khung thuế với mặt hàng xăng từ 1.000-4.000 đ/lít hiện tại lên mức 3.000đ - 8.000đ/lít.
Chưa đồng tình với mức đề xuất nêu trên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính cho rằng, biểu khung thuế dự kiến trong tờ trình (mức trần 8.0000đ/lít) là quá cao. VINPA đề nghị Bộ Tài chính áp mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng nâng từ 3.000đ/lít lên tối đa 5.000đ/lít; dầu diesel nâng từ 1.500đ/lít lên tối đa 3.000đ/lít; nhiên liệu bay từ 3.000đ/lít lên 5.000đ/lít và dầu mazut từ 900đ/kg lên tối đa 3.000đ/kg.
Tuy nhiên, trong dự thảo mới được Bộ Tài chính công bố, cơ quan này tiếp tục nêu quan điểm, giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế lên 3.000-8.000đ/lít như dự thảo ban đầu. Bản dự thảo đã đề xuất nhiên liệu bay tăng lên mức trần lên 6.000đ, dầu diesel, dầu mazút, dầu nhờn kịch khung là 4.000đ/lít,kg.
Lý giải về việc giữ nguyên đề xuất, Bộ Tài chính cho rằng việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, mà còn xem xét đến nhiều yếu tố khác như: xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường cần có chính sách nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu.
Cho rằng khung thuế này sẽ áp dụng cho lộ trình dài, và có đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, mức thuế cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000đ/lít.
Việc điều chỉnh còn xem xét nhằm chủ động ứng phó với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn... “Tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, khi đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam,” báo cáo của Bộ Tài chính có nêu.
Mặt khác, nhằm khuyến khích việc sản xuất và sử dụng xăng, dầu sinh học E5, E10, B5, B10 và thống nhất với quy định của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, trong bản dự thảo lần này, Bộ Tài chính đã đề xuất chọn phương án bổ sung quy định mức thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, đối với xăng E5 và dầu B5, mức thuế cụ thể bằng 80% mức thuế cụ thể của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng. Đối với xăng E10 và dầu diesel B10, mức thuế cụ thể bằng 70% mức thuế cụ thể của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng.
Với phương án này, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng gốc hóa thạch là 3.000 đồng/lít thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 là 2.400 đồng/lít (giảm 600 đồng/lít so với xăng hóa thạch) và mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E10 là 2.100 đồng/lít (giảm 900 đồng/lít so với xăng gốc hóa thạch). Theo đó, giá xăng sinh học sẽ tiếp tục giảm nếu thông qua phương án này.