Tuy vậy, ông chủ Nhà Trắng xem ra đã có “con bài” riêng của mình trong việc áp thuế này.
“Ngoan thì có quà”?
Bất chấp mọi sự chỉ trích cũng như nguy cơ về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. ông Trump cương quyết giữ nguyên quan điểm về áp giá thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép vào Mỹ - một trong những cam kết của ông đối với cử tri trong quá trình tranh cử hồi năm 2016.
Khi trả lời câu hỏi của truyền thông về phản ứng trước quyết định này (của các quốc gia xuất khẩu nhôm và thép hàng đầu vào Mỹ), ông Trmp thẳng thừng: “Nếu quý vị không muốn bị đánh thuế thì đem nhà máy tới Mỹ đi!”. Đó không phải là lời đe dọa hay “nắn gân”, bởi lẽ trước sự chứng kiến của các quan chức hàng đầu nước Mỹ cũng như đông đảo truyền thông quốc tế, từ Nhà Trắng, vào ngày 8/3, ông Trump đã chính thức đặt bút ký vào biểu thuế mới đối với nhôm và thép nhập khẩu, có hiệu lực thực thi kể từ 23/3 tới, áp thuế theo mức mới đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ.
Phát biểu bên lề cuộc họp nội các Mỹ ngày 9/3, sau khi ký thông qua biểu thuế nêu trên, Tổng thống Donald Trump không ngần ngại tuyên bố trước truyền thông: “Tôi vẫn kiên quyết mức thuế đề xuất ban đầu là 10% (với nhôm nhập khẩu) và 25% (với thép nhập khẩu). Nhưng tôi có quyền nâng thuế lên hoặc hạ thuế xuống, tùy coi đó là quốc gia nào. Tôi cũng đủ khả năng thêm vào hay bớt ra các quốc gia (nằm trong danh sách giảm thuế)”.
Xem ra, ông Trump hoàn toàn đã có tính toán khi để ngỏ cánh cửa: Biểu thuế áp dụng cho tất cả, nhưng không cứng nhắc và sẽ linh hoạt theo từng đối tượng cụ thể, tùy vào thái độ của đối tượng ấy ra sao, trên tinh thần mà ông chủ Nhà Trắng vẫn nhấn mạnh là “luôn giữ thái độ công bằng và linh hoạt trong lúc vẫn bảo vệ công nhân Mỹ”.
Sự bất an vẫn lan rộng
Tất nhiên, việc áp biểu thuế mới lên nhôm và thép nhập khẩu của ông Trump, dù được bao biện thế nào, vẫn vấp phải sự chỉ trích của không ít chính khách Mỹ. Kịch bản tệ nhất là một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ bùng nổ, Mỹ sẽ bị đẩy vào thế đối đầu với cả thế giới.
Thượng nghị sĩ Jeff Flake của đảng Cộng hòa hôm 8/3 đã tuyên bố sẽ giới thiệu một dự luật làm vô hiệu hóa các chính sách thuế quan bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump đánh vào nhôm và thép nhập khẩu. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, Orrin Hatch, thuộc đảng Cộng hòa cũng chỉ trích hành động của Tổng thống Trump, nhưng loan báo rằng sẽ làm việc với Nhà Trắng để “giảm nhẹ thiệt hại”.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, bà Cecilia Malmstrom - Ủy viên Thương mại châu Âu - lên tiếng kêu gọi Mỹ cũng nên miễn trừ các mức thuế này đối với EU vì, bà nhấn mạnh, Liên hiệp châu Âu là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
Trong khi đó, cơ quan phát triển và mậu dịch Liên Hiệp Quốc UNCTAD khuyến cáo rằng quyết định của chính quyền Trump sẽ tác động nặng nề lên các nước nghèo. Vẫn theo cơ quan này, một cuộc chiến thương mại khơi mào từ thuế quan của Mỹ và các hành động trả đũa từ các nước sẽ gây phương hại cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Đáng chú ý, vào chiều 8/3, Trung Quốc đã lên tiếng sẵn sàng một cuộc chiến thương mại với Mỹ, sau khi biểu thuế nhập khẩu mới mà Bắc Kinh gọi là “bất công và vô trách nhiệm” vừa được Nhà Trắng thông qua.