Connor Sweeney, chuyên gia về thực vật học tại Trường Charter of Wilmington, Mỹ, đã dành hai năm nghiên cứu thực vật. Sweeney phát hiện ra rằng, khi lá cây Arabidopsis thaliana (cỏ dại mù tạc) bị thương, nó sẽ báo động khẩn cấp cho những cây ở gần đó để bắt đầu bật chế độ phòng thủ, theo Tree Hugger.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Plant Science hôm 19/4.
"Một cây bị thương cảnh báo cho những cây bên cạnh về mối nguy hiểm. Cây không thể hét lên hay sử dụng chữ viết, mà nó dùng tín hiệu giao tiếp là các hóa chất thải vào không khí từ lá", Harsh Bais, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Delaware, Mỹ, cho biết.
Sweeney đặt hai trong số nhiều cây tham gia thí nghiệm cách nhau vài cm trên cùng một đĩa petri. Sau đó, Sweeney tạo ra hai vết cắt nhỏ trên lá của một cây để bắt chước cuộc tấn công của côn trùng. Những gì xảy ra tiếp theo thật bất ngờ. Ngày hôm sau phần rễ của cây bên cạnh dài hơn và khỏe hơn đáng kể, nhiều rễ phụ mọc ra từ rễ chính.
Nhóm nghiên cứu cũng lặp lại thí nghiệm nhiều lần trong các đĩa petri khác nhau để loại trừ sự liên lạc giữa các hệ thống rễ, một phương pháp giao tiếp của thực vật từng được ghi nhận trong một số nghiên cứu trước đây.
"Lý do khiến cây tạo ra nhiều rễ hơn là để tìm kiếm và hút thêm nhiều chất dinh dưỡng nhằm tăng cường khả năng phòng vệ. Do đó, chúng tôi tìm kiếm các hợp chất kích hoạt sự phát triển của rễ", Bais nói.
Kết quả cho thấy, cây bị thương giải phóng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) vào không khí như một lời cảnh báo cho những cây bên cạnh về một mối đe dọa sắp xảy ra, thúc đẩy chúng thay đổi chức năng sinh lý để phục vụ mục đích phòng vệ.