Tam thất là loài dược liệu chứa nhiều hoạt chất quý, trong đó có hoạt chất hỗ trợ điều trị ung thư được TS Lê Thị Hồng Vân, Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn chế biến thành cao lỏng dễ sử dụng.
Chế biến tam thất kiểu hồng sâm
TS Lê Thị Hồng Vân cho biết, tam thất hay còn gọi là tam thất bắc (kim bắc hoán), là dược liệu quý trong y học cổ truyền và từ lâu đã được sử dụng với nhiều công dụng như bổ máu tăng lực, cầm máu, chống huyết khối… Tại Việt Nam, các sản phẩm từ tam thất đa số được dùng dưới dạng thô như là bột hoặc viên nén, viên nang... Chưa có nghiên cứu cũng như các sản phẩm được bào chế theo kiểu hồng sâm (nhân sâm).
Tam thất có thành phần hóa học chính là các saponin thuộc nhóm dammaran có cấu trúc protopanaxadiol (PPD) và protopanaxatriol (PPT) với hơn 80 saponin khác nhau đã được phân lập… Tam thất có nhiều tác dụng dược lý đặc trưng của chi Panax như tăng lực, chống trầm cảm, tăng sinh thích nghi, chống oxy hóa.
Trong các nghiên cứu tác dụng điều hòa miễn dịch in vitro và in vivo, tam thất có tác dụng kích thích miễn dịch, rút ngắn thời gian đông máu. Ngoài ra, tam thất còn có tác dụng kích thích chức năng nội tiết sinh dục nữ, giãn mạch ngoại biên. Trong y học cổ truyền, tam thất được sử dụng để chữa trị chứng thổ huyết, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh, cố tinh hoạt huyết, thiếu máu, mệt mỏi, chóng mặt…
Do vậy mục tiêu của nhóm là phát triển một dạng sản phẩm từ tam thất chế theo kiểu hồng sâm. Để chế biến dạng này thì tam thất phải được lựa chọn với nguồn nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, sau đó được chế biến bằng cách hấp ở nhiệt độ cao. Quá trình gia nhiệt sẽ làm cho hoạt chất trong tam thất được chuyển hóa thành những thành phần có hoạt tính mạnh hơn so với dạng bào chế ban đầu.
Theo TS Lê Thị Hồng Vân, chế phẩm cao lỏng tam thất không chỉ giúp tăng sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, giảm trầm cảm, làm chậm quá trình oxy hóa, mà còn tăng cường khả năng miễn dịch, giúp hạn chế đáng kể sự phát triển của các tế bào ung thư.
Hỗ trợ điều trị ung thư
TS Lê Thị Hồng Vân cho biết, một trong những tác dụng của tam thất được các nhà khoa học thế giới cũng rất quan tâm nghiên cứu là tác dụng chống ung thư. Bởi lẽ, tam thất có tác dụng làm giảm kích thước khối u trên chuột nhắt được gây ung thư bằng cách cấy vào tế bào ung thư ác tính.
Trong những nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng tam thất còn làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột bị ung thư.
Trên thực tế, tam thất có giá trị không kém nhân sâm do có hàm lượng saponin cao gấp đôi và có một số tác dụng đặc biệt mà nhân sâm không có. Ngoài ra, tam thất có giá thành rẻ hơn so với nhân sâm Hàn Quốc.
“Có rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tam thất, đặc biệt là tam thất chế theo kiểu hồng sâm có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư (in vitro) và ức chế tăng trưởng khối u (in vivo) trên nhiều dòng tế bào ung thư.
Sau quá trình chế biến, nhiều thành phần saponin mới đã được hình thành như G-Rh2, GRh1, G-Rk1, G-Rg5… Các thành phần saponin mới này được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư”, TS Lê Thị Hồng Vân chia sẻ.
Báo cáo trước hội đồng nghiệm thu do Sở KH&CN TPHCM tổ chức, TS Lê Thị Hồng Vân cho biết, nhiệm vụ đã đạt được các mục tiêu đã đề ra cùng với các sản phẩm cụ thể đã đăng ký trong thuyết minh.
Nhóm triển khai nhiệm vụ đã phân lập được 8 chất tinh khiết làm chất chuẩn cho việc xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm. Đồng thời xây dựng được quy trình định lượng của các ginsenosid chính trong nguyên liệu, cao chiết và thành phẩm. Các tiêu chuẩn này đã được thẩm định bởi cơ quan độc lập là Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM.
Nhóm cũng đã khảo sát quy trình chế biến tam thất dựa vào sự thay đổi hàm lượng ginsenosid và hoạt tính ức chế phát triển tế bào ung thư phổi A549, ung thư vú MDA-MB-231. Từ đó lựa chọn ra điều kiện chế biến phù hợp là hấp tam thất ở 120 độ C trong 4 giờ.
Nhóm cũng đã tối ưu hóa quy trình chiết cao định chuẩn hóa dựa trên hiệu suất chiết cao và hàm lượng ginsenosid tổng; xây dựng quy trình chế biến cao định chuẩn, cao đặc toàn phần đạt hàm lượng ginsenosid cao và xây dựng quy trình điều chế sản phẩm cao lỏng từ tam thất.
Chế phẩm tam thất dạng lỏng cũng giúp tăng độ hấp thu so với các sản phẩm như viên uống. Chế phẩm được định hướng hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị ung thư với liều sử dụng dự kiến khoảng 2-3 lần/ngày. Nhóm ước lượng chi phí cho một ngày sử dụng sản phẩm là 35.000 - 40.000 đồng (trong đó chi phí nguyên vật liệu khoảng 20.000 - 25.000 đồng/ngày).
Nhóm hy vọng sản phẩm sẽ được sản xuất thực nghiệm cũng như thử nghiệm lâm sàng, với mong muốn đưa sản phẩm hiệu quả đến bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có những vấn đề liên quan đến điều trị ung thư.