Thực hư vùng đất Crocker ở Bắc Cực

GD&TĐ - Chuyến thám hiểm cực Bắc của Trái đất vào năm 1906 của Peary được tài trợ bởi doanh nhân người Mỹ, George Crocker, với số tiền 50.000 USD.

Vùng đất Crocker và vị trí của nó trên bản đồ theo mô tả của Robert Peary.
Vùng đất Crocker và vị trí của nó trên bản đồ theo mô tả của Robert Peary.

Năm 1906, nhà thám hiểm người Mỹ, Robert Peary, có chuyến thám hiểm cực Bắc của Trái đất nhưng do thời tiết xấu và nguồn cung cấp cạn kiệt buộc ông phải quay lại khi cách đích khoảng 280 km.

Tuy thất bại nhưng ông đã mang về một thông tin quan trọng: Giữa mênh mông băng giá là một vùng đất. Tranh luận nổi lên và cuộc thám hiểm nhằm chứng minh tính xác thực trong tuyên bố của Peary đã diễn ra đầy bi kịch.

Sự thất vọng của nhà thám hiểm

Chuyến thám hiểm dở dang vào năm 1906 của Peary được tài trợ bởi doanh nhân người Mỹ, George Crocker, với số tiền 50.000 USD. Hy vọng nhận được khoản đóng góp khác cho chuyến tiếp theo, Peary quyết định đặt tên một hòn đảo mà ông cho rằng chưa từng được khám phá theo tên Crocker.

Vùng đất này cách Mũi Thomas Hubbard, thuộc cực Bắc của Canada khoảng 200 km. Peary đã đề cập ngắn gọn về nó trong quyển sách Nearest the Pole xuất bản năm 1907, trong đó ông đoán chắc đã nhìn thấy “những ngọn núi trắng mờ trên một vùng đất xa xôi” từ đỉnh Cape Colgate, cao khoảng 600m so với mực nước biển.

Tuy nhiên, nỗ lực vận động tài trợ của Peary tỏ ra vô ích vì sau trận động đất ở San Francisco năm 1906, tài chính của Crocker cạn kiệt, ông không thể chi tiền cho bất kỳ cuộc thám hiểm nào nữa. Mặc dù vậy, Peary cũng được Hiệp hội Địa lý quốc gia hỗ trợ thực hiện một chuyến đi khác. Lần này, chuyến thám hiểm suôn sẻ và vào ngày 6/4/1909, ông hân hoan đứng trên đỉnh cực Bắc của Trái đất.

Thế nhưng khi trở về nhà, Peary vô cùng thất vọng khi biết Frederick Cook, một bác sĩ phẫu thuật từng phục vụ ông trong chuyến thám hiểm Bắc Greenland năm 1891, tuyên bố là người đầu tiên đến được Bắc Cực trước đó cả năm. Là người khao khát nổi tiếng bằng bất cứ giá nào, Peary đâm ra quẫn trí.

Điều này khiến những người ủng hộ ông tức giận tấn công Cook và tìm cách hạ uy tín của vị bác sĩ. Trong cuộc tranh cãi này, vùng đất Crocker đã trở thành chủ đề nóng. Cook tuyên bố, trên đường đến Bắc Cực, ông đã đi qua khu vực được cho là có đảo Crocker nhưng không nhìn thấy vùng đất nào cả.

Đi tìm vùng đất Crocker

Nhà thám hiểm Robert Peary (trái) và Donald Baxter MacMillan.

Nhà thám hiểm Robert Peary (trái) và Donald Baxter MacMillan.

Một trong những người ủng hộ Peary, nhà thám hiểm Donald Baxter MacMillan, đề xuất tổ chức chuyến đi tìm Crocker. Nếu vùng đất được chứng minh tồn tại, nó sẽ minh oan cho Peary và hủy hoại danh tiếng của Cook.

Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Đại học Illinois, đoàn thám hiểm rời Brooklyn vào tháng 7 năm 1913.

Trong đoàn, ngoài MacMillan, còn có 5 thành viên được lựa chọn cẩn thận dựa vào chuyên môn của họ trong các lĩnh vực khoa học khác nhau và Minik Wallace, một chàng trai người Inuit được Robert Peary đưa đến Hoa Kỳ khi còn nhỏ, đóng vai trò là người hướng dẫn kiêm phiên dịch.

Đoàn đến Tây Bắc Greenland vào giữa tháng 8. Tại đây, với sự hỗ trợ của những người Eskimo, họ dựng trại chỉ huy gồm một tòa nhà kích thước 10m x 10m với 8 phòng.

Sau khi thực hiện một vài chuyến đi sơ bộ, đặt các kho dự trữ dọc theo tuyến đường, MacMillan, Walter Elmer Ekblaw, Fitzhugh Green và 7 người Inuit bắt đầu cuộc hành trình 1.900 km băng qua băng giá bằng xe trượt tuyết để tìm vùng đất Crocker.

Ekblaw là người đầu tiên quay lại sau ba ngày vượt sông băng Beitstadt do không chịu nổi nhiệt độ giảm đột ngột, các thành viên khác cũng lần lượt quay về. Khi đến rìa Bắc Băng Dương, đoàn chỉ còn lại MacMillan, Green và hai người Inuit, Piugaattoq và Ittukusuk.

Họ tiếp tục vượt qua biển băng nguy hiểm trong mười ngày và vào một buổi sáng trong lành, Green, MacMillan phát hiện một vùng đất rộng lớn ở đường chân trời phía Tây Bắc. “Thiên đường tuyệt vời! Vùng đất thật rồi! Những ngọn đồi, thung lũng, đỉnh núi phủ tuyết trải dài”, MacMillan đã viết trong cuốn sách xuất bản năm 1918 của mình, Four Years in the White North.

Quá phấn khích, MacMillan đã gọi Piugaattoq, một thợ săn người Inuit có 20 năm kinh nghiệm trong khu vực, và chỉ cho anh ta thấy phát hiện này.

Piugaattoq quan sát kỹ lưỡng vùng đất bao la một lúc rồi nói, với sự sửng sốt của MacMillan, rằng đây chỉ là ảo ảnh.

Bất chấp điều đó, nhóm vẫn tiếp tục đi trong năm ngày nữa, cho đến khi mọi người đều công nhận Piugaattoq đã đúng. Những gì họ nhìn thấy là một dạng ảo ảnh gọi là Fata Morgana, hiện tượng trong đó đột ngột xuất hiện trước mắt mọi người những con tàu dường như lơ lửng trong không trung và vùng đất không tồn tại.

Bi kịch

Khi Vùng đất Crocker Land được chứng minh là một huyền thoại, bốn nhà thám hiểm bắt đầu hành trình trở về trụ sở chính tại Etah. Sau khi băng qua biển băng, MacMillan cử Piugaattoq và Green đi khám phá một con đường về phía Tây. Chẳng mấy chốc, cả hai bắt đầu tranh cãi vì không thống nhất hướng đi. Khi Piugaattoq tìm cách lẻn quay về với những người Inuit còn lại, Green đã bắn chết anh ta.

Khi trở về Etah, Green tường trình vụ việc với MacMilan nhưng nói với những người Inuit rằng Piugaattoq đã chết trong trận tuyết lở. Sau này, Ekblaw cho rằng đây là “một trong những bi kịch đen tối nhất và đáng trách nhất trong biên niên sử thám hiểm Bắc Cực”.

Các thành viên còn lại đã cố gắng quay trở về, nhưng thời tiết ở Bắc Cực lúc đó rất nguy hiểm và họ phải mất ba năm với ba nỗ lực giải cứu mới có thể trở về nhà an toàn. Bị mắc kẹt trong băng, các thành viên đoàn thám hiểm đã tận dụng thời gian bằng cách ghi lại văn hóa của người dân bản địa và nghiên cứu môi trường sống tự nhiên của khu vực.

Họ trở về với hàng nghìn bức ảnh và hàng trăm hiện vật, phần nhiều trong số đó hiện được trưng bày tại Bảo tàng Spurlock của Đại học Illinois và tại Bảo tàng Bắc Cực Peary–MacMillan trong khuôn viên của Đại học Bowdoin ở Brunswick, Maine.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.