Thực hư về dự án 'kiểm soát tâm trí' của CIA

GD&TĐ - Mặc dù nghe như khoa học viễn tưởng và CIA đã tìm cách phủ nhận trong nhiều năm, nhưng dự án 'kiểm soát tâm trí' là có thật.

Donald Ewen Cameron và Sidney Gottlieb (phải), hai nhà khoa học chủ chốt của dự án MK Ultra.
Donald Ewen Cameron và Sidney Gottlieb (phải), hai nhà khoa học chủ chốt của dự án MK Ultra.

Trong hơn một thập niên đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, các nhà nghiên cứu của CIA đã lạm dụng nhiều đối tượng trong một số thí nghiệm đáng lo ngại nhất trong lịch sử.

Ý tưởng táo bạo

Vào đầu những năm 1940, một số nhà khoa học của Đức Quốc xã đã tiến hành các thí nghiệm trên tù nhân bằng các chất gây ảo giác để thử tạo ra “huyết thanh sự thật”, với mục đích loại bỏ sự ức chế, khiến thông tin xuất hiện cho dù cá nhân đó không muốn cung cấp.

Nhiều người tin rằng, những thí nghiệm này đã được mở rộng sang Mỹ sau khi chính phủ tuyển dụng một số nhà khoa học Đức làm việc cho mình. Sự quan tâm của người Mỹ đối với các thí nghiệm thẩm vấn bằng ma túy bắt đầu từ năm 1943, khi Cơ quan Tình báo Chiến lược điều tra nghiên cứu cách pha chế một số loại “ma túy sự thật”.

Vào tháng 4 năm 1953, khi chiến tranh Triều Tiên sắp kết thúc, tờ The New York Times đăng một bài viết gây chấn động, cho rằng tù binh Mỹ trở về sau chiến tranh đã bị tẩy não. Tiếp đó, Giám đốc CIA mới được bổ nhiệm, Allen Dulles, tuyên bố, “chiến tranh trí não” không phải là chuyện hoang đường. Vào ngày 13 tháng 4 năm 1953, ông đã phê duyệt dự án tuyệt mật của CIA có tên là “MK Ultra”.

Dự án triển khai đầy đủ trong hơn một thập niên, từ năm 1953 đến 1964, ban đầu chỉ nhằm mục đích nghiên cứu xem hóa chất thay đổi lời nói và hành động của con người như thế nào, nhưng sau đó, nó đã đi vào con đường thử nghiệm ma túy bất hợp pháp trên hàng nghìn người Mỹ. Hầu hết các thí nghiệm này được thực hiện tại các trường đại học, bệnh viện hoặc nhà tù ở Mỹ và Canada.

Đứng đầu dự án MK Ultra là nhà hóa học Sidney Gottlieb sinh ra ở Bronx, New York, theo học Đại học Công nghệ Arkansas và Viện Công nghệ California.

Bị từ chối nhập ngũ vì có tật ở bàn chân, Gottlieb tìm được công việc ở Bộ Nông nghiệp và Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm. Ở đó, ông thực hiện các xét nghiệm để tìm kiếm sự hiện diện của ma túy trong cơ thể con người.

Từ năm 1951 đến năm 1953, ông được CIA tuyển dụng và làm việc chặt chẽ với Allen Dulles. Dưới sự chỉ đạo của cơ quan này, ông bắt đầu nghiên cứu tác động của các loại ma túy tổng hợp như THC, cocaine và heroin. Sau đó, ông tìm hiểu đặc tính của LSD (chất gây ảo giác) và tự thử nghiệm trên bản thân mình.

Một nhân vật quan trọng khác của dự án là bác sĩ thần kinh gốc Scotland, Donald Ewen Cameron, người đã dành nhiều năm nghiên cứu các bệnh tâm thần. Ông đã lọt vào mắt xanh của CIA khi đang nghiên cứu phương pháp “điều khiển tâm trí” để chữa bệnh tâm thần phân liệt.

Đây là một tiến trình, trong đó bệnh nhân phải liên tục lặp đi, lặp lại các thông điệp âm thanh để thay đổi hành vi của họ, trong khi được cho sử dụng thuốc gây tê liệt toàn thân. Ông được CIA trả thù lao hậu hĩnh để nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực này.

Bộ phim 'MK Ultra', dựa trên sự kiện có thật về thí nghiệm 'kiểm soát tâm trí' của CIA.

Bộ phim 'MK Ultra', dựa trên sự kiện có thật về thí nghiệm 'kiểm soát tâm trí' của CIA.

Hậu quả của thí nghiệm

Trong thời gian tiến hành dự án, một nhóm người gần gũi nhất với MK Ultra thỉnh thoảng gặp nhau trong một căn nhà gỗ nằm sâu trong rừng ở Maryland. Họ gồm các thành viên của Bộ phận Hoạt động Đặc biệt, bác sĩ tâm thần, nhà hóa học và quan chức CIA.

Vào tháng 11 năm 1953, Frank Olson đã có mặt trong một cuộc gặp gỡ như vậy. Là chuyên gia về chiến tranh sinh học, thành viên CIA, ông nắm giữ một số bí mật lớn nhất đất nước vào thời điểm đó. Trong thời gian ở nơi bí mật này, những người có mặt bị đánh thuốc mê để kiểm tra hiệu quả của loại “huyết thanh sự thật” đang được nghiên cứu.

Thực tế, họ đã được cho sử dụng LSD mà không hề biết. Olson là người có phản ứng với chất gây ảo giác này nghiêm trọng hơn nhiều so với những người cùng cảnh ngộ. Ông trở về nhà với tâm trạng như một người khác, vô cùng kích động, bối rối và mất phương hướng. Tám ngày sau, Olson đã lao thẳng xuống cửa sổ khách sạn Statler Hilton ở Manhattan và tử vong. Cái chết của ông được cho là một vụ tự sát, để lại nhiều tình tiết kỳ lạ.

Nhiều năm sau, những người bị cách ly trong thời gian tiến hành dự án MK Ultra tuyệt mật đã thú nhận họ là một phần trong các thí nghiệm của CIA.

Trùm tội phạm có tổ chức khét tiếng người Mỹ, Whitey Bulger, đã phạm tội giết người, tống tiền và buôn bán ma túy trong suốt những năm 1970 đến những năm 1990. Hắn đã bỏ trốn trong 16 năm khi biết mình là đối tượng bị truy lùng. Sau khi bị bắt, hắn khai, trong thời gian bị giam giữ đã tham gia chương trình MK Ultra của CIA và buộc phải sử dụng LSD.

Một đối tượng thử nghiệm khác, Ted Kaczynski, đã gây khủng khiếp cho người dân trong gần 20 năm và bị bắt vào năm 1996. Trước khi trở thành tội phạm, Kaczynski đã theo học tại Đại học Harvard và tham gia một thí nghiệm do nhà tâm lý học Henry A. Murray - được cho là một thành viên của dự án MK Ultra - thực hiện.

Vào năm 1976, Tổng thống Gerald Ford đã ban hành Sắc lệnh về các hoạt động của CIA, trong đó cấm “thử nghiệm ma túy trên đối tượng con người, trừ khi có sự đồng ý rõ ràng, bằng văn bản và có sự chứng kiến của một bên không liên quan đến từng đối tượng đó”. Từ đó, các thử nghiệm trên người mà không có sự đồng thuận mới chấm dứt.

Dựa trên sự kiện có thật về dự án “kiểm soát tâm trí” của CIA, bộ phim tâm lý kinh dị của Mỹ mang tên “MK Ultra” ra đời năm 2022 đã thu hút đông đảo người xem trên thế giới. Với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng, phim kể về một bác sĩ được gửi đến trại tâm thần ở Mississippi để tham gia thí nghiệm bí mật của CIA nhằm kiểm soát tâm trí trên các bệnh nhân.

Theo Historydefined

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.