Thực hư thuốc trừ cỏ uống không chết

Giữa lúc người dân bị ám ảnh bởi nông sản nhiễm hóa chất thì việc có một loại thuốc diệt cỏ “an toàn” tới mức uống được, gây được sự chú ý lớn

Thực hư thuốc trừ cỏ uống không chết

Ngày 25/4, trao đổi với phóng viên, bà Phùng Thị Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH XNK Công nghệ Cát Tường (trụ sở Hà Nội), cho biết việc bà uống các sản phẩm trên là thường xuyên, không chỉ bà mà các cộng sự, nhà phân phối đều uống.

An toàn nên mới dám uống

Thuc hu thuoc tru co uong khong chet - Anh 1

Sản phẩm thuốc diệt cỏ “an toàn” được giới thiệu trên website Công ty Công nghệ Cát Tường

“Hôm qua tôi xuống dưới Đồng Tháp, cả đoàn, mỗi người uống một ngụm, không làm sao cả. Còn chuyện uống biểu diễn tại hội thảo là do một phút “hưng phấn” nhưng miệng lưỡi người đời rất kinh khủng, người thì nói tôi bị điên, người nói quảng cáo, người bảo pha Rồng Đỏ uống giả vờ... Tôi là người thích sống, không muốn chết! Sản phẩm của tôi làm từ thảo mộc, an toàn nên tôi mới uống” - Bà Hưng khẳng định.

Bà Hưng còn cho biết công ty bà có nhiều loại thuốc diệt cỏ, có loại uống như trà sữa trân châu, có loại thơm mùi bạc hà, có loại như si rô.

Theo bà, giá bán các sản phẩm trên không hề rẻ, từ 400.000-445.000 đồng/lít, đây là giá bán lẻ, bán sỉ sẽ có chính sách khác với mục đích ban đầu là dùng cho các vùng nguyên liệu nông sản sạch để xuất khẩu, không ngờ nhu cầu dân mình dùng nhiều quá!

Trao đổi với P.V, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới, người cùng uống thuốc diệt cỏ sinh học với bà Hưng tại sự kiện vừa qua, cũng khẳng định ông vẫn khỏe và còn đùa “tôi dự định uống thêm liều nữa”.

Tuy nhiên, ông Nghĩa nhắc khi báo chí viết nên lưu ý khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em không nên thử. Sở dĩ ông dám thử là do biết rõ sản phẩm có nguồn gốc sinh học (thảo mộc và vi sinh), ông cũng không có cổ phần trong công ty trên nên không ngại.

Chưa đăng ký lưu hành

Theo một lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tham gia tại hội thảo, sản phẩm trên chưa được đăng ký, chưa có trong danh mục nên chưa được phép lưu hành, nếu phát hiện bán ra thị trường sẽ bị phạt.

“Sự kiện hôm trước là một hội thảo khoa học, tác giả có thể giới thiệu sản phẩm, có thể trình diễn nhưng để đăng ký lưu hành, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký khảo nghiệm, phải chứng minh bằng khoa học không thể chỉ bằng lời nói. Nếu bây giờ doanh nghiệp nộp hồ sơ thì sớm nhất phải một năm sau sản phẩm mới được thương mại hóa, nói nôm na là lưu hành một cách hợp pháp” - Vị này cho hay.

Cũng theo lãnh đạo này, thế giới chưa phát minh được thuốc diệt cỏ có tính năng như doanh nghiệp trên quảng cáo, nếu Việt Nam làm được thì quả là “siêu đẳng”.

Bản thân bà Phùng Thị Hưng cũng thừa nhận chỉ mới đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm tại trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chưa đăng ký lưu hành. Nhưng bà khẳng định thủ tục này sẽ xong trong nay mai và hướng dẫn phóng viên vào website công ty để tìm hiểu kỹ về sản phẩm.

Tại đây, công ty giới thiệu 3 dòng chế phẩm diệt cỏ sinh học, giá từ 100.000-111.000 đồng/chai 250 ml có tên là SPS Clean (nắp màu xanh đọt chuối, màu đỏ và màu vàng) dùng để diệt cỏ hoàn toàn, dùng cho cây lúa và cây công nghiệp và đều được giới thiệu là “không độc cho người, vật nuôi, môi trường”.

Chưa thể chứng nhận hiệu quả

Giám đốc một công ty chuyên chế phẩm vi sinh cho rằng đúng là các sản phẩm có nguồn gốc sinh học uống vào sẽ không sao nhưng điều này sẽ gây ra phản cảm.

“Đây không phải là thực phẩm, không nên uống. Nếu có, đó chỉ là một chiêu PR và không nói lên hiệu quả của sản phẩm trên đồng ruộng. Theo tôi được biết thì thế giới đã nghiên cứu về vấn đề này nhưng chưa có công trình nào được công bố đạt được hiệu quả như trên. Để đạt được điều đó thì phải xịt rất nhiều, chi phí rất cao” - Vị này nhận xét.

Theo BizLIVE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.