Thực hư dự án đóng tàu sân bay bằng băng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ-Thế chiến thứ Hai, để vận hành hệ thống máy bay bảo vệ tàu biển cũng như chiến đấu, quân đồng minh đã vận dụng đến một giải pháp táo bạo ấy là đóng tầu sân bay bằng... băng. Chứng tích còn lại của dự án này nằm ở đáy hồ Patricia tại Alberta (Canada) nơi nguyên mẫu được thử nghiệm.

Phác thảo thiết kế tàu sân bay bằng băng.
Phác thảo thiết kế tàu sân bay bằng băng.

    Dự án Habakkuk

    Trong giai đoạn đầu của Thế chiến thứ Hai, hải quân Đức quốc xã đã chứng minh ưu thế của mình trên biển. Ở Bắc Đại Tây Dương, các hạm đội của Anh luôn gặp khó khăn khi đương đầu với tàu ngầm của Đức. Tàu tiếp tế của Đồng minh vượt đại dương thường bị chặn đánh và chìm ở mức báo động.

    Máy bay có thể bảo vệ các con tàu, nhưng phải có tàu sân bay ở đại dương để hạ cánh và tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, để đóng các con tàu khổng lồ này cần phải có một lượng thép không nhỏ, mà nguyên liệu này thì đang thiếu trầm trọng.

    Trong lúc này, một nhà khoa học Anh tên là Geoffrey Pyke - người từng làm việc tại Bộ chỉ huy hành quân hỗn hợp với tư cách là cố vấn của chỉ huy trưởng, bá tước Louis Mountbatten, đã nảy ra một ý tưởng độc đáo: Chế tạo tàu sân bay từ băng.

    Băng cứng nhưng không bị chìm và có thể dễ dàng được sửa chữa ngay tại chỗ, bằng cách đóng những khối băng mới vào ngay vị trí bị hư hại. Với bề mặt được làm phẳng, băng đóng vai trò như một bãi hạ cánh, và nếu có thể làm rỗng ở giữa, nó sẽ là nơi lý tưởng để máy bay trú ẩn.

    Ông trình bày ý tưởng của mình với Mountbatten, sau đó nhà quý tộc này thuyết phục Winston Churchill (Thủ tướng Anh lúc đó), rằng có thể thắng cuộc chiến này bằng... băng. Churchill lấy làm thú vị và đồng ý triển khai “Dự án Habakkuk”, làm tàu sân bay với nguyên liệu từ Bắc cực.

    Vật liệu kỳ diệu

    Nhà khoa học Anh, Geoffrey Pyke với ý tưởng về tàu sân bay bằng băng.

    Nhà khoa học Anh, Geoffrey Pyke với ý tưởng về tàu sân bay bằng băng.

    Tàu sân bay mà Pyke hình dung có chiều dài 600m, rộng 90m và nặng hơn 2 triệu tấn. Thân tàu dày 12m, có thể an toàn trước ngư lôi. Tàu được trang bị 40 tháp pháo hai nòng và nhiều súng phòng không hạng nhẹ. Đường băng trên tàu có thể chứa đến 150 máy bay ném bom hoặc máy bay chiến đấu hai động cơ. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn: Băng tan thì sao? Nhưng Geoffrey Pyke cũng có giải pháp: Hệ thống làm mát khổng lồ bao gồm một mạng lưới ống phức tạp sẽ bơm chất làm lạnh khắp con tàu để giữ cho băng không bị tan chảy.

    Ngay sau đó, một nguyên mẫu dài 18m, nặng 1 nghìn tấn đã được chế tạo trên hồ Patricia ở dãy núi Rockies của Canada. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, một số vấn đề mới đã phát sinh, cụ thể như băng tuy cứng nhưng giòn, lại bị biến dạng dưới áp lực. Một con tàu lớn như Habakku sẽ bị võng xuống dưới sức nặng của chính nó.

    Trong khi bế tắc thì nhóm thực hiện dự án có hướng giải quyết từ bước đột phá của hai nhà khoa học tại Học viện Bách khoa Brooklyn (New York, Mỹ). Qua nghiên cứu, họ phát hiện bột gỗ hoặc mùn cưa khi được trộn vào nước và cho đóng băng sẽ tạo thành vật liệu rắn hơn băng bình thường 14 lần, cứng hơn cả bê tông, có khả năng chống nén tốt, không bị sứt mẻ và ngay cả đạn bắn không thủng. Nó có thể được gia công như gỗ và đúc thành các hình dạng như kim loại. Vật liệu kỳ diệu này được đặt tên là pykrete, để vinh danh Pyke.

    Giai thoại kể rằng, một ngày nọ vào cuối năm 1942, Churchill đang tắm tại nhà riêng của mình thì Mountbatten trong trạng thái phấn khích xông vào và thả một khối pykrete vào bồn tắm. Trong vài phút, cả hai ngạc nhiên nhìn khối băng nguyên vẹn, không tan trong nước ấm.

    Một số nhân chứng còn nhắc lại sự sôi nổi của bá tước Mountbatten tại Hội nghị Quebec năm 1943. Trước sự sửng sốt của các đại biểu, Mountbatten đặt trên đất hai khối vật liệu, một làm bằng băng và một bằng pykrete. Không báo trước, ông rút khẩu súng lục ra bắn vào khối băng làm nó vỡ tan thành từng mảnh. Sau đó ông quay súng về phía pykrete và bắn. Lần này viên đạn văng khỏi pykrete rồi ghim vào tường.

    Công trình dang dở

    Vật liệu kỳ diệu chính là thứ mà Geoffrey Pyke cần cho sự thành công của Dự án Habakkuk. Các thiết kế và kế hoạch đóng tàu sân bay được gấp rút thực hiện. Mỗi con tàu sẽ cần 300 nghìn tấn bột gỗ, 25 nghìn tấn tấm cách nhiệt bằng ván sợi, 35 nghìn tấn gỗ và 10 nghìn tấn thép.

    Với lượng nhiên liệu dự trữ lên đến 5 nghìn tấn, tàu có thể di chuyển quãng đường 13 nghìn km mà không cần tiếp nhiên liệu. Theo dự kiến, tàu sân bay sẽ được hạ thủy vào tháng 5/1944, thời điểm mà nước ở biển Bắc Đại Tây Dương đã bắt đầu lạnh dần. Chi phí để hoàn thành con tàu được tính khoảng 700 nghìn bảng Anh.

    Nhưng khi bắt đầu triển khai thi công, nhiều vấn đề lại nảy sinh. Sự thay đổi nhiệt độ theo mùa nhanh chóng khiến nhóm nghiên cứu nhận ra cần nhiều thép làm giá đỡ bên trong hơn số lượng mà họ ước tính ban đầu. Giống như thép, gỗ cũng đang thiếu hụt trầm trọng.

    Do đó, chi phí cuối cùng cao gấp ba lần dự toán, ở mức 2,5 triệu bảng Anh. Ngoài ra, do con tàu quá lớn nên tốc độ tối đa chỉ 6 hải lý/giờ, điều mà Hải quân cho là quá chậm. Thêm vào đó là sự phức tạp trong xây dựng, cách nhiệt và làm lạnh một cấu trúc lớn như vậy đòi hỏi thời gian và nhân lực khó đáp ứng trong thời chiến.

    Cuộc họp cuối cùng về việc thi công tàu diễn ra vào tháng 12/1943. Vào thời điểm này, một số yếu tố đã thay đổi liên quan đến cuộc chiến, như việc quân Đức bị đánh bật khỏi những vùng chiếm đóng trước đó, cũng như máy bay của Đồng minh được thiết kế hoạt động rộng hơn nên việc săn các tàu ngầm của Đức hiệu quả hơn. Điều này cùng với những thách thức đang phải đối mặt khiến Dự án Habakkuk đã bị loại bỏ.

    Ngày nay, chứng tích còn lại của Dự án Habakkuk nằm ở đáy hồ Patricia tại Alberta (Canada), nơi nguyên mẫu được thử nghiệm. Năm 1985, các nhà thám hiểm đại dương đã lặn xuống địa điểm này và tìm thấy các bức vách bằng gỗ của thân tàu, hệ thống ống dẫn khí lạnh chằng chịt, cùng với một lượng lớn bitum được sử dụng như vật liệu cách nhiệt và một tấm bảng kỷ niệm dự án.

    Theo Amusingplanet

    Tin tiêu điểm

    Đừng bỏ lỡ