Với môn khoa học thực nghiệm như Hoá học, các bài lên lớp luôn gắn liền với các thí nghiệm. Ảnh: internet |
Giáo viên được phân công thực hiện Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL) và Hoạt động giáo dục hướng nghiệp (HĐGDHN ) được tính giờ dạy học như các môn học. Việc tham gia điều hành HĐGD tập thể (chào cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp cuối tuần) là thuộc nhiệm vụ quản lý của Ban Giám hiệu và GV chủ nhiệm lớp, không tính là giờ dạy học.
Thực hiện tích hợp giữa HĐGDNGLL, HĐGDHN, môn Công nghệ. Nội dung tích hợp do Sở GDĐT hướng dẫn GV thực hiện cho sát thực tiễn địa phương.
Cũng từ năm học 2009-2010, tập trung chỉ đạo đổi mới KTĐG thúc đẩy đổi mới PPDH các môn học và hoạt động giáo dục, khắc phục tình trạng dạy học theo lối đọc-chép.
Đối với các môn học đòi hỏi năng khiếu như: Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục cần coi trọng truyền thụ kiến thức, hình thành kỹ năng, bồi dưỡng hứng thú học tập, không quá thiên về đánh giá thành tích theo yêu cầu đào tạo chuyên ngành hoạ sỹ, nhạc sỹ, vận động viên.
Đối với một số môn KHXH&NV như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, cần coi trọng đổi mới PPDH, đổi mới KTĐG theo hướng hạn chế chỉ ghi nhớ máy móc, không nắm vững kiến thức, kỹ năng môn học. Trong quá trình dạy học, cần đổi mới KTĐG bằng cách nêu vấn đề mở, đòi hỏi HS phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng và biểu đạt chính kiến của bản thân...
Đối với môn Toán, việc thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng cần theo các quan điểm: sát thực, trực quan, đúng chuẩn và đổi mới. Các môn khoa học tự nhiên nói chung cần coi trọng kỹ năng thực hành; bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học... Riêng môn Sinh học cần tăng cường sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường THPT rút kinh nghiệm trong 3 năm học vừa qua để tổ chức tốt việc dạy học phân hóa bằng phân ban kết hợp với dạy học tự chọn sắp xếp học sinh vào các ban và các hình thức học tập phân hóa phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh và điều kiện của mỗi trường.
Với hoạt động giáo dục nghề phổ thông (HĐGDNPT), Bộ GD-ĐT quy định: Nơi có đủ GV đào tạo đúng chuyên môn, đủ CSVC, phải thực hiện HĐGDNPT ở lớp 11, tổ chức thi và cấp chứng chỉ GDNPT sau khi hoàn thành chương trình 105 tiết đạt yêu cầu trở lên; nơi chưa đủ GV đào tạo đúng chuyên môn, chưa đủ CSVC có thể chưa thực hiện chương trình HĐGDNPT nhưng phải khẩn trương khắc phục, không để kéo dài.
Hiếu Nguyễn