Thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cần sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo

GD&TĐ - Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 năm 2014 khối các trường ĐH - CĐ trực thuộc Bộ GD&ĐT khu vực phía Nam. 

Thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cần sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (giữa) cùng lãnh đạo Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 lắng nghe ý kiến từ các trường ĐH, CĐ
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (giữa) cùng lãnh đạo Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 lắng nghe ý kiến từ các trường ĐH, CĐ  

Hội nghị do Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Bộ GD&ĐT) tổ chức sáng nay (8/5), tại Trường ĐHSP Kỹ thuật TPHCM. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội nghị. 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các trường ĐH - CĐ khu vực phía Nam, lãnh đạo Sở GD&ĐT một số tỉnh thành, đại diện Trung tâm SEAMEO RETRAC. 

Tại Hội nghị, có ý kiến cho rằng công tác triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 trong các trường ĐH - CĐ (thông qua hình thức chuẩn đầu ra) vẫn còn nhiều hạn chế. 

Bên cạnh việc lúng túng trong thực hiện xuất toán kinh phí, các khoản chi, thiếu ngân hàng đề thi, việc chưa thừa nhận công tác kiểm tra, đánh giá (chuẩn) giữa các trường trong hệ thống giáo dục ĐH - CĐ ít nhiều khiến công tác triển khai việc đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học tiếng Anh cho sinh viên vẫn còn nhiều khó khăn.

Phân tích, đưa giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế

PGS Trần Văn Phước phát biểu tại Hội nghị  

PGS.TS Trần Văn Phước - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) - chia sẻ:  Các trường luôn mong muốn Việt Nam có được một định dạng bộ đề thi chuẩn. 

Tuy nhiên, để thực hiện được mong muốn này trong điều kiện thực tiễn chúng ta thì không đơn giản. 

Ngay cả quốc tế với các chuẩn TOEIC, TOEFL cũng cần hàng chục năm để hoàn thiện bộ đề. 

Thực tế, hạn chế lớn nhất khiến chúng ta chưa thể xây dựng được một khung đánh giá chuẩn Anh ngữ chung là do chính các trường vẫn chưa thật sự tin cậy nhau. 

Vì thế, để đạt được chuẩn ngoại ngữ đầu ra (chuẩn C1 và TOEIC) với sinh viên các trường ĐH - CĐ vào năm 2014 - 2015 không cách nào khác phải nhanh chóng thay đổi cách thức dạy ngoại ngữ hiện nay. Bởi thực tế, việc dạy ngoại ngữ tại các trường ĐH  - CĐ đang quá nặng lý thuyết, thiếu thực hành - PGS Phước nhận định.

TS Trần Hữu Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) - đồng tình với ý kiến PGS Phước đưa ra. Ông cho rằng việc khảo sát, bồi dưỡng cho giáo viên cần có những quy định chặt chẽ ở từng địa phương, sự giám sát của Bộ GD&ĐT nhằm tránh hiện tượng, khảo sát, đánh giá không thống nhất. 

PGS.TS Đỗ Văn Xê - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho rằng: Cần "gỡ" từ bậc THPT. Với một sinh viên hoàn toàn không biết gì về ngoại ngữ ở bậc phổ thông, yêu cầu họ có chuẩn đầu ra C1 hay TOEIC là điều không dễ dàng. 

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã rất đúng đắn khi đi từ gốc rễ của vấn đề, với định hướng đào tạo thật ổn các “máy cái” (đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ GV) thì mới hy vọng có các “máy con” tốt, có nền tảng. 

PGS Đỗ Văn Xê tâm đắc chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đó là sử dụng thước đo và người đo như thế nào cho hiệu quả, đánh giá được năng lực thực tế của sinh viên mới là điều quan trọng. Bởi thước đo chuẩn, nhưng người đo không chính xác thì cũng không đạt. Đây mới thật sự là vấn đề cần quan tâm.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
 Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng - Trưởng Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Nha Trang - nhận định cần duy trì đánh giá mang tính liên thông từ bậc THPT cho đến ĐH và sau ĐH với cả khối không chuyên ngữ. Trong đó, phương pháp thực hành, giao tiếp, thời gian tổ chức tập huấn cho GV cũng cần phù hợp. 

Cùng đó, đối tượng được cử đi tập huấn theo chương trình của Đề án cần thực chất, đúng người, đúng đối tượng hơn mới mong có sự chuyển biến và hiệu quả trong việc nâng cao khả năng dạy và học ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên và sinh viên. 

Thẳng thắn nhìn nhận thực tế này, TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 - đã chỉ rõ một số trường có hiện tượng trên và cho rằng, chính sự lỏng lẻo trong quản lý, điều động cán bộ tập huấn theo chương trình của Đề án chưa đúng người là nguyên nhân khiến việc triển khai, tập huấn cho cơ sở chưa hiệu quả.

Tránh thực hiện Đề án theo phong trào

Thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cần sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo  ảnh 4Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội nghị 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển hoan nghênh các trường đã quan tâm và quyết liệt thực hiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho SV, đồng thời khuyến khích các đơn vị sáng tạo hơn nữa trong công tác đánh giá, thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ.

Thứ trưởng lưu ý: Dù còn nhiều khó khăn nhưng các trường, cơ sở giáo dục cần tránh việc thực hiện Đề án theo phong trào nhưng cũng không nên chậm trễ trong triển khai Đề án.

Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị bồi dưỡng với đơn vị cử người đi học. 

Bộ GD&ĐT chưa yêu cầu học sinh phổ thông tốt nghiệp phải đạt chuẩn ngoại ngữ như sinh viên đại học. Vì thế, chúng ta nên mạnh dạn đổi mới, không thể kéo dài tình trạng giáo viên thiếu chuẩn, dẫn đến việc dạy và học ngoại ngữ không hiệu quả. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng nếu thấy cần thiết phải cắt bỏ “tế bào ung thư” của sự trì trệ, tạm dừng 2 - 3 năm không dạy ngoại ngữ, tạm ngừng tuyển sinh để có điều kiện, thời gian làm lại, nâng chất, nâng chuẩn đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cũng nên làm, còn hơn kéo dài sự trì trệ trong vòng luẩn quẩn. 

"Chính vì thế, điều tôi mong muốn là sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo và quyết tâm lớn nhất từ chính đội ngũ cán bộ nòng cốt hiện nay" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ