Thực hiện công khai trong cơ sở GD: Cần tăng cường giám sát và chế tài mạnh

GD&TĐ - Ý kiến từ địa phương cho thấy việc thực hiện 3 công khai của một số cơ sở giáo dục vẫn chưa thật sự nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ...

Giờ học tại Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT được đánh giá có nhiều thay đổi tích cực, giúp các cơ sở giáo dục thuận lợi hơn trong thực hiện báo cáo công khai; xã hội dễ dàng theo dõi, giám sát thông tin.

Tháo gỡ nhiều khó khăn

Cho đến nay, quy định thực hiện công khai đối với cơ sở GD-ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vẫn thực hiện theo Thông tư số 36/2017/TT-BGD&ĐT ngày 28/12/2017. Theo ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), triển khai Thông tư 36, việc thực hiện 3 công khai của một số cơ sở giáo dục vẫn chưa thật sự nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ. Điều này ảnh hưởng tới thông tin được cung cấp cho người học và gây khó khăn trong việc giám sát của phụ huynh, địa phương với cơ sở giáo dục.

Một trong những lý do là các biểu mẫu ban hành kèm Thông tư 36 chi tiết vấn đề cần công khai có nhiều nội dung chồng chéo, không bảo đảm tính thống nhất với yêu cầu quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác…. phần nào gây khó khăn cho cơ sở khi thực hiện. Nhiều trường, các thành viên trong Ban chỉ đạo đều kiêm nhiệm nên đôi lúc chưa kịp thời trong chỉ đạo, giám sát việc thực hiện công khai.

Từ thực tiễn thực hiện công khai theo Thông tư 36 tại Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo nhận định: Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 09) đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho cơ sở. Theo đó, quy định mới giảm tối đa các biểu mẫu bắt buộc phải kê khai (từ 21 phụ lục giảm còn 2).

Quy định phải niêm yết nội dung công khai ở cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục chưa có cổng thông tin điện tử) được bãi bỏ, thay bằng chỉ công bố công khai trên cổng thông tin điện tử nhà trường. Quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền cũng được bãi bỏ. Nhà trường chỉ phải báo cáo công tác này khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ở góc độ cơ sở giáo dục ĐH, ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhận định: Thông tư 09 có nhiều thay đổi tích cực giúp cơ sở giáo dục thuận lợi hơn trong thực hiện báo cáo công khai, cũng như giúp xã hội dễ dàng theo dõi, giám sát thông tin công khai.

Cụ thể, các mẫu báo cáo được tinh gọn bằng các số liệu cụ thể, tường minh, đầy đủ hơn như: Đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, học liệu, người học, kết quả nghiên cứu khoa học, công bố khoa học trong nước và quốc tế…

Trước đây, muốn tìm hiểu về một cơ sở giáo dục, người đọc phải xem hàng trăm trang báo cáo với nhiều dữ liệu, thông tin mang tính kỹ thuật nên khó tổng hợp và hình dung bức tranh chung. Tuy nhiên, quy định mới giúp dễ dàng nhìn được bức tranh toàn cảnh của nhà trường, đối với những người muốn tìm hiểu sâu thì có thể tìm đọc các báo cáo chi tiết.

Việc yêu cầu chỉ cần công bố trên trang thông tin điện tử (trừ các đơn vị chưa có trang thông tin điện tử) cũng giúp cơ sở giáo dục dễ dàng thực hiện (quy định cũ yêu cầu niêm yết công khai bằng bản cứng) và phù hợp với thực tiễn hơn.

Bên cạnh đó, yêu cầu thông tin công khai phải được duy trì 5 năm là cơ sở để xã hội giám sát, đối sánh kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục qua các năm một cách thuận lợi. Các số liệu được báo cáo liên tục trong 5 năm có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: Nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sách, đầu tư, lựa chọn…

“Có thể nói, Thông tư 09 ra đời đã khẳng định Bộ chủ quản kịp thời tiếp thu và điều chỉnh những vấn đề không còn phù hợp hướng tới nâng cao chất lượng và hỗ trợ cho cơ sở giáo dục thực hiện tốt, xã hội dễ dàng giám sát”, ThS Nguyễn Vinh San nhận định.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần giám sát và chế tài mạnh mẽ

Để Thông tư 09 phát huy hết ưu điểm, giúp minh bạch hoá thông tin về hoạt động của các cơ sở giáo dục, ThS Nguyễn Vinh San nhận định cần có sự giám sát chặt chẽ việc thực hiện của cơ quan quản lý và có chế tài mạnh mẽ đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc quy định. Hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục còn cố tình thực hiện không nghiêm túc như: Không công khai, công khai không đúng thời gian, không đầy đủ số liệu, công khai số liệu chi tiết nhưng không tổng hợp, công khai đường link nhưng không cho truy cập…

Đánh giá tích cực về Thông tư 09, TS Tôn Quang Cường - Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh tư tưởng xuyên suốt là quản trị nhà trường gắn với đảm bảo chất lượng, đơn giản hóa các thủ tục đi đôi với tăng cường tính minh bạch, công khai hoạt động gắn với cải tiến và đánh giá liên tục, phát triển nhà trường bền vững đi liền với tạo niềm tin và thu hút sự tham gia của xã hội.

Tuy nhiên, cần lường trước khó khăn là sự chấp nhận và lúng túng ban đầu về nhận thức cũng như trong hành động của các bên liên quan; đi kèm với hệ thống công nghệ hỗ trợ thu thập, xử lý và cung cấp các dữ liệu thông tin theo từng vấn đề.

TS Tôn Quang Cường cũng nhận định văn bản mẫu báo cáo thường niên trong Phụ lục chưa phản ánh rõ nét tính “mục đích”, “đối tượng” theo tinh thần Thông tư 09. Báo cáo thường niên là “nộp cho xã hội”, cần khác với các văn bản báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Nó không nên chỉ dừng ở các con số, dữ liệu thuần túy mà cần phản ánh hơi thở thực tế trong hoạt động của nhà trường, con đường và động lực cũng như những khát vọng của chính đơn vị. Hơn nữa, cần coi báo cáo thường niên là một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền quảng bá về nhà trường, cơ sở giáo dục.

Đưa một số khuyến nghị khi thực hiện quy định mới, TS Tôn Quang Cường cho rằng, nhà trường cần có kế hoạch cụ thể trước các tình huống tiêu cực từ xã hội, như: Vấn đề thông tin bảo mật dữ liệu, sử dụng dữ liệu sai mục đích, nhận thức sai lầm về các số liệu, cạnh tranh không lành mạnh trong truyền thông quảng bá về nhà trường…

Nhà trường cũng cần áp dụng cách tiếp cận hệ thống trong quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên nền tảng công nghệ; đảm bảo các số liệu được cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, minh bạch… dễ dàng truy xuất và tổng hợp báo cáo khi cần thiết. Đồng thời, thiết lập chính sách, quy trình rõ ràng về việc công khai thông tin theo các phân hệ, các lớp thông tin phù hợp với đối tượng tiếp cận, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về bảo mật và quyền riêng tư.

Đối với cơ sở giáo dục, việc xây dựng các kênh giao tiếp xã hội rõ ràng và minh bạch với cộng đồng cũng hết sức cần thiết. Cùng với đó, cần chia sẻ, giải thích rõ ràng mục đích của việc công khai thông tin và cung cấp các kênh để phản hồi, giải đáp thắc mắc. Đồng thời, bảo đảm thông tin công khai luôn chính xác, minh bạch, tránh gây hiểu lầm hoặc sử dụng thông tin sai mục đích. - TS Tôn Quang Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ