Vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm
Là giáo viên được đào tạo đơn môn Địa lý, nay cô Hồ Thị Huyền Trang - Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) phải thích nghi với dạy học tích hợp môn Lịch sử và Địa lý; trước mắt, cô đảm nhiệm phân môn Địa lý (đối với lớp 6).
Do được tập huấn và tham dự các buổi hướng dẫn tổ chức dạy học, khai thác sử dụng sách giáo khoa mới, nên sau 1 tháng dạy học online, cô Trang nhận thấy, việc giảng dạy không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ thực tế cô Trang nhận thấy, để việc giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý đạt hiệu quả, rất cần sự chủ động, sáng tạo, đặc biệt là không ngại thay đổi của giáo viên trong việc thiết kế bài học. “Quan trọng, giáo viên phải động đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp với từng đối tượng học sinh”- cô Trang trao đổi.
Cho rằng, việc dạy – học online cũng khiến cô – trò gặp một số khó khăn, nhất là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6; cô Trang viện dẫn: dạy học trực tuyến dẫn đến việc thiếu kết nối giữa giáo viên và học sinh, sự tương tác của học sinh trong tiết học bị hạn chế.
Ngoài ra, giáo viên cũng gặp khó khi khơi gợi và duy trì hứng thú học tập cho học trò. Mặt khác, việc tiếp cận với các nhóm học có năng lực khác nhau để triển khai dạy học phân hóa cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, giáo viên gặp trở ngại trong việc kiểm soát việc ghi chép, cũng như chấm, chữa bài cho học sinh.
Từ thực tế trên, cô Trang chia sẻ kinh nghiệm một số giải pháp để khắc phục như: Thiết lập mối quan hệ gắn bó, thấu hiểu học sinh thông qua các hoạt động làm quen, chia sẻ, xây dựng mục tiêu học tập, xây dựng nội quy học tập.
Giáo viên cần tạo không khí nghiêm túc nhưng không căng thẳng, cần thực hiện các biện pháp kỉ luật tích cực, tinh tế trong việc giải quyết các vi phạm của học sinh.
Ngoài ra, cần thiết kế giáo án giảng dạy theo hướng: nội dung kiến thức cơ bản cô đọng, ngắn gọn; biểu thị nội dung kiến thức cơ bản bằng cách bảng biểu hóa, sơ đồ hóa, sơ đồ tư duy..; chú ý sử dụng kênh hình, tư liệu. Với tính năng chia sẻ màn hình, giáo viên có thể chia sẻ, khai thác kênh hình, tư liệu, video…
Giáo viên cũng nên tìm hiểu, sử dụng thành thạo và khai thác tốt các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc giảng dạy và kiểm tra - đánh giá, nhằm tăng tương tác và thu hút, tạo hứng thú cho học sinh. Ví dụ: Quizizz ; Padlet; kahoot; Nearpod trên nền tảng Microsoft teams.
Chủ động, linh hoạt
Đại diện Ban giám hiệu Trường THCS Đôn Phong (Bạch Thông, Bắc Kạn) đã dự giờ một số tiết học phân môn thuộc 2 môn tích hợp: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Qua nắm bắt tình hình chung cho thấy, việc dạy – học của thầy – trò đã ổn định, có nề nếp. Học sinh sôi nổi phát biểu trong giờ học và tiếp thu bài giảng tốt.
Tuy nhiên, theo thầy Hiệu trưởng Cà Duy Trung, khi dạy học theo phân môn trong môn tích hợp, giáo viên có chút lúng túng về cách soạn bài và phương pháp dạy học theo hướng tích hợp.
Hiệu trưởng Trường THCS Đôn Phong chia sẻ: Trước mắt, trường sắp xếp thời khoá biểu theo hướng: 9 tuần đầu của học kỳ I, mỗi tuần dạy học 2 tiết phân môn Lịch sử và 1 tiết Địa lý. 9 tuần tiếp theo của học kỳ này sẽ đổi ngược lại: mỗi tuần sẽ dạy 1 tiết phân môn Sử và 2 tiết Địa lý.
Với môn Khoa học tự nhiên: 18 tuần của học kỳ I với 72 tiết/phân môn. 17 tuần của học kỳ II với 68 tiết/phân môn. Theo đó, nhà trường sẽ bố trí các tiết học phù hợp, khoa học đối với từng phân môn.
Chia sẻ một số phương án dạy học trong mùa Covid-19; PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) bật mí: các trường có thể tổ chức dạy học trực tuyến (Trực tuyến trực tiếp qua Zoom, Google Meeting, Teams, hoặc trực tuyến qua LMS); dạy học qua truyền hình; dạy học qua sóng radio; Phát phiếu, tài liệu in tới cha mẹ học sinh thông qua email, bưu điện kết hợp với các phương thức trực tuyến khác.
Để đạt hiệu quả cao trong dạy – học, PGS.TS Nguyễn Chí Thành lưu ý, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cần chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh; vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Mặt khác, cần xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học. Từ đó, làm cơ sở để chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Các trường cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu của phương thức này.
Đồng thời, cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho giáo viên, học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Cùng với đó, xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp. - PGS. TS. Nguyễn Chí Thành