Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sĩ được thiết lập hơn 50 năm và đã có những bước tiến đáng kể trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục-đào tạo. Trong thời gian tới, hợp tác giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ giữa Việt Nam với Thụy Sĩ và CHLB Đức cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Với mong muốn này, Bộ trưởng hy vọng TS. Philipp Rösler tiếp tục có những kết nối, giới thiệu các trường đại học tại Thụy Sĩ và Đức với hệ thống các trường đại học của Việt Nam.
Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác song phương giữa các trường đại học, trong bối cảnh nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghệ, kĩ thuật, đặc biệt là công nghệ, kĩ thuật cao ngày càng lớn, Bộ trưởng mong muốn sự hỗ trợ, kết nối của TS. Philipp Rösler sẽ lưu ý hơn đến hợp tác về nghiên cứu khoa học và hợp tác đào tạo các ngành công nghệ, kĩ thuật.
“Chúng tôi đang tìm hiểu và mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về mô hình giáo dục đại học và dạy nghề, một phần đào tạo trong đại học, một phần đào tạo tại các doanh nghiệp, nhà xưởng” - Bộ trưởng chia sẻ và cho rằng, sinh viên Việt Nam cần được tăng cường nhiều hơn về khả năng làm việc thực tế, kĩ năng nghề nghiệp, sự am hiểu về các lĩnh vực công nghệ mà doanh nghiệp đang cần. Để sinh viên Việt Nam “giỏi tay nghề hơn” - đây cũng là điều Bộ trưởng mong nhận được sự hỗ trợ, kết nối.
Ngoài ra, một số nội dung khác cũng được Bộ trưởng chia sẻ, mong muốn nhận được sự hỗ trợ của TS. Philipp Rösler, liên quan đến trao đổi về nghiên cứu khoa học, thiết lập các nhóm nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học Việt Nam và châu Âu, trong đó có Đức, Thụy Sĩ; trao đổi sinh viên, sự giao lưu các nhà khoa học, thành lập các nhóm nghiên cứu chung, theo Bộ trưởng, là con đường rất ngắn để thúc đẩy mặt bằng về khoa học…
Khẳng định việc thúc đẩy, hỗ trợ cho đào tạo nghề của Việt Nam, cũng như nghiên cứu ở cấp bậc cao hơn là sứ mệnh, trách nhiệm của mình, TS. Philipp Rösler đồng thời nhận định Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan tiên phong đưa kinh tế, xã hội Việt Nam phát triển; giáo dục - đào tạo là vấn đề tiên quyết giúp giới trẻ Việt Nam hội nhập quốc tế. “Sau quá trình làm việc, sinh sống tại nhiều quốc gia, tôi tự hào nhận thấy tuổi trẻ Việt Nam vô cùng thông minh, sáng tạo, năng động, không kém bất kì quốc gia nào khác” - TS. Philipp Rösler chia sẻ.
Thể hiện mong muốn làm điều gì đó để cống hiến cho xã hội thông qua giáo dục, TS. Philipp Rösler thông tin về ý tưởng thiết lập các cơ sở đào tạo nghề kết nối với thực tiễn để thúc đẩy giáo dục-đào tạo nghề của Việt Nam trên cơ sở học hỏi các bài học kinh nghiệm từ nước Đức. “Song song thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam cần chú trọng thúc đẩy dào tạo nghề” - TS. Philipp Rösler nhận định.
Ông cũng cho biết, ngày 12/4, Đại học FPT và Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT), Đại học Jacobs Bremen (JUB) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Một trong những nội dung chương trình hợp tác là trao đổi sinh viên giữa hai trường đại học nói riêng, giữa Việt Nam với Thụy Sĩ, CHLB Đức nói chung. Chuyên ngành được chú trọng là công nghệ, khoa học, đặc biệt là khoa học máy tính. Một trong nhiều việc phải làm sau kí kết là thành lập các trung tâm về nghiên cứu, thúc đẩy trao đổi sinh viên giữa các quốc gia, các vùng.
Bày tỏ đồng thuận với những đề nghị của Bộ trưởng, đặc biệt trong thúc đấy trao đổi hợp tác giữa các đại học của Việt Nam và Thụy Sĩ, TS. Philipp Rösler cho biết đã có những ý tưởng cho sự hợp tác này.
Tại buổi làm việc, phát biểu của thành viên trong đoàn công tác do TS. Philipp Rösler dẫn đầu đều có những đánh giá tích cực về tố chất của sinh viên, giới trẻ Việt Nam. TS. Serg Bell - Chủ tịch Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT), ĐH Jacobs Bremen (JUB), nhà sáng lập hệ thống quản lý, lưu trữ dữ liệu Acronis - cho rằng, Việt Nam có lợi thế so với các quốc gia láng giềng về phát triển khoa học và hoàn toàn có tiềm năng, điều kiện chiến lược để trở thành trung tâm về khoa học.