Thúc đẩy hợp tác Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương thông qua ERASMUS+

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 29/11, Hội nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương về ERASMUS+ diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dự, phát biểu tại hội nghị.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Từ ngày 28/11 – 30/11, Cơ quan Điều hành Giáo dục và Văn hóa châu Âu (EACEA) thuộc Uỷ ban Liên minh châu Âu (EU) phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam và Bộ GD&ĐT Việt Nam, tổ chức Tuần lễ ERASMUS+ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Châu Âu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai, phối hợp với Uỷ ban EU tổ chức hội nghị trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai bên đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Thứ trưởng nhấn mạnh, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu tại Việt Nam, phát triển giáo dục được xác định là một trong ba khâu đột phá để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam xác định cần chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.

Hiện nay, khoảng 190 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Đến tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 4,57 tỷ USD với 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục. 400 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại các cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó chiếm hơn 1/2 là các chương trình liên kết đào tạo với các nước khu vực Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương.

Đến nay, mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam với các quốc gia, lãnh thổ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Âu đã phát triển mạnh mẽ, trong đó giáo dục đại học là một trọng tâm chính.

Đặc biệt, kể từ năm 2015, khi Chương trình ERASMUS+ bắt đầu giai đoạn đầu tiên ở Việt Nam, việc mở rộng kết nối, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tựu đáng kể.

Quang cảnh sự kiện ngày 29/11.

Quang cảnh sự kiện ngày 29/11.

Chia sẻ một số thông tin về hoạt động của ERASMUS+ tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá chương trình đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

“Đây là cơ sở để các bên cùng nhìn về tương lai 50 năm tới thúc đẩy hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn”, Thứ trưởng bày tỏ.

Thông qua chương trình, 3.000 sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học đã tham dự các khóa học tập dài hạn và ngắn hạn tại Châu Âu. Việt Nam đã nhiều lần lọt top 20 thế giới với hơn 600 sinh viên được trao giải thưởng.

Chương trình ERASMUS+ đã tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Châu Âu trong việc nghiên cứu khoa học, phát triển chương trình liên kết đào tạo và các dự án nghiên cứu hợp tác chung đáp ứng các xu thế thời đại. Với 95 dự án trong giai đoạn này, Việt Nam hiện đang đứng đầu danh sách các dự án được phê duyệt có tỷ lệ thành công cao.

Các lãnh đạo, chuyên gia tham dự hội nghị.

Các lãnh đạo, chuyên gia tham dự hội nghị.

Thứ trưởng tin rằng, hội nghị là cơ hội để các chuyên gia thảo luận, chia sẻ những khó khăn, thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt và đưa ra các giải pháp tối ưu, tạo cơ hội đối thoại hợp tác và trao đổi các ý tưởng để cùng hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Hội nghị đồng thời mang đến cơ hội thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; thảo luận về những thay đổi trong ưu tiên, chính sách và quy định về liên kết đào tạo tại Việt Nam, mở cửa thị trường giáo dục đại học Việt Nam thu hút đầu tư của nước ngoài nói chung và của các nước khu vực Châu Âu – Châu Á Thái Bình Dương nói riêng.

Đây cũng là cơ hội chia sẻ về thế mạnh và ưu tiên hợp tác với Việt Nam; từ đó hai bên thống nhất các hoạt động hợp tác và tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và thị trường lao động quốc tế trong thời gian tới.

Ngài Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị.

Ngài Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị.

Giáo dục đại học giải quyết thách thức chung

Nhấn mạnh mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam – EU, ngài Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam, cho biết hai bên đều công nhận giá trị quan trọng của giáo dục vì sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Với mục tiêu chung này, Chương trình ERASMUS+ được triển khai tại Việt Nam đã góp phần hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Sinh viên, giảng viên Việt Nam có cơ hội học tập, giảng dạy và tích luỹ kinh nghiệm tại các trường đại học Châu Âu.

“Chương trình ERASMUS+ tạo điều kiện hợp tác cho các trường đại học Việt Nam – Châu Âu, giúp phát triển chương trình giảng dạy và nghiên cứu cho các trường đại học Việt Nam. Việt Nam đang dẫn đầu các nước Châu Á tham gia các hoạt động ERASMUS+ trong giáo dục.

Bằng cách làm việc cùng nhau, tôi tin rằng chúng ta có thể giải quyết các thách thức chung hiện nay và giáo dục đại học là nền tảng để giải quyết những vấn đề này”, Ngài Julien Guerrier chia sẻ.

Theo ngài đại sứ, thông qua thảo luận và chia sẻ tại hội nghị, các lãnh đạo, chuyên gia đến từ các quốc gia sẽ hiểu rõ tiềm năng mà ERASMUS+ mang lại; từ đó thúc đẩy hợp tác quốc tế Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương.

Tuần lễ ERASMUS+ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bắt đầu với cuộc gặp thường niên của các Đầu mối Quốc gia của ERASMUS+ Đầu mối Quốc gia (ENFP) từ các quốc gia trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. 19 ENFP sẽ cùng tham gia chuỗi hoạt động bao gồm các buổi đào tạo, thảo luận chuyên sâu cũng như trao đổi về các thực hành tốt. Cuộc gặp gỡ này sẽ trang bị cho các ENFP các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho vai trò của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.