Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp “siêu nhỏ” vượt dịch covid

Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp “siêu nhỏ” vượt dịch covid

Khi nhu cầu toàn cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu, thì các doanh nghiệp siêu nhỏ đóng vai trò quan trọng trong mô hình tăng trưởng dài hạn thời hậu Covid-19.

Nguồn lực truyền thống

Cùng với các khu vực Quốc doanh, các doanh nghiệp siêu nhỏ, cơ sở kinh doanh gia đình và nông hộ chính đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Loại hình kinh tế này có thể cung cấp chỗ dừng chân tạm thời cho những người lao động bị mất việc, phải trở về quê nhà... Đây là nguồn lực truyền thống giúp xã hội có khả năng chống chịu, và một lần nữa vai trò truyền thống này lại phát huy trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng Covid-19.

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam- ông Chang Hee Lee cho rằng: Vấn đề ở đây là phạm vi và tốc độ khủng hoảng việc làm do đại dịch Covid-19 gây nên có thể lớn hơn rất nhiều so với khả năng gánh vác của hộ kinh doanh gia đình và nông hộ. Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ có tính mục tiêu thông qua các dạng thức khác nhau để người dân có thể vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng cho tới khi tình hình dần trở lại bình thường.

Những hình thức “giãn cách xã hội” nghiêm ngặt có lẽ cần được dần nới lỏng để các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ gia đình có thể cung cấp nguồn sống cho con người, cho khả năng chống chịu và bình ổn. Tất nhiên, đó phải là “kinh doanh an toàn và lành mạnh” dưới sự chỉ dẫn rõ ràng về cách áp dụng giãn cách xã hội trong các hoạt động kinh doanh.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc này thông qua mạng lưới các hợp tác xã ở thành thị và khu vực nông thôn.

Tăng cường khả năng chống chịu

Về lâu dài, vấn đề quan trọng mang tính chiến lược là cần chính thức hóa các doanh nghiệp phi chính thức để mở rộng cơ sở tiêu dùng trong nước và hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ trong nước. 

Theo ông Chang Hee Lee, một đất nước với gần 100 triệu dân cần xây dựng các thị trường nội địa thực chất do các doanh nghiệp trong nước dẫn dắt, đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài.

Cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ.

Tuy nhiên, đại dịch hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khả năng khu vực kinh tế này đối phó với cú sốc kinh tế xã hội. Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp, nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế.

“Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ.” – ông Chang Hee Lee nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.