(GD&TĐ) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chuẩn bị đề án và các văn bản pháp lý cần thiết cho việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2010 để xem xét cho việc thực hiện từ năm 2011.
Cần nhiều công ty mua bán điện
|
Phát triển mới lưới điện. |
Theo một số chuyên gia ngành năng lượng trong nước, về lâu dài, việc mua bán điện nên cơ cấu lại theo hướng thành lập một công ty mua bán điện độc lập, trực thuộc Bộ Tài chính hoặc Bộ Công Thương; khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ không nắm khâu mua bán điện.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam, cho biết nếu muốn hình thành thị trường điện cạnh tranh thực sự thì không chỉ có một công ty, mà cần có nhiều công ty mua bán điện độc lập, có bán buôn, có bán lẻ và nhà sản xuất điện muốn bán điện cho bất kỳ công ty mua nào tùy họ thì mới tạo ra sự cạnh tranh.
Theo ông Ngãi, hiện tại khâu phân phối điện vẫn do EVN nắm giữ, nhưng về lâu dài cần phải phân cấp lại. Tức là sẽ cơ cấu lại ngành điện sao cho tạo ra sự cạnh tranh độc lập khỏi EVN ở cả 3 khâu: phát điện, bán lẻ và bán buôn.
Ở góc độ khuyến khích đầu tư ngành điện, ông Ngãi cho rằng muốn tăng sức hấp dẫn đầu tư cho ngành điện là phải tăng giá điện. Nếu giá điện không tăng thì tỷ suất lợi nhuận ngành điện thấp, nhà đầu tư khó vay vốn được, rồi lại bị thiếu điện liên tục.
“Theo quan điểm của tôi, sang năm 2011 thì giá điện buộc phải tăng. Khi đó, nên bỏ giá điện bậc thang như trước đây và sẽ chỉ có 2 loại giá điện, gồm: giá điện dành cho hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, cán bộ hưu trí, công nhân viên thu nhập thấp, học sinh-sinh viên, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công cách mạng, điện dịch vụ công ích; các nhóm đối tượng còn lại phải mua theo giá thị trường ở mức từ 8 cent/kWh trở lên, tức ở khoảng 3.000 - 3.500 đồng/kWh”, ông Ngãi phân tích.
Ông cũng cho rằng mức 8 cent/kWh là không cao so với mức 18 cent/kWh ở Campuchia, và Thái Lan cũng đã bán mức 8 cent/kWh từ lâu. Các nước khác trong khu vực cũng đang có giá bán điện cao hơn so với giá khoảng 5 cent/kWh như tại Việt Nam hiện nay.
Việt Nam chuẩn bị bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và chiến lược phát triển 10 năm 2011-2020, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-8%/năm. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, cung cấp đủ điện là một trong những điều kiện tiên quyết.
Thủ tướng Chính phủ nhận định trong quá trình phát triển, ngành điện đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập về công tác tổ chức, lúng túng trong công tác điều hành.
Mùa khô năm 2010, từ tháng 4 đến tháng 7 liên tục để thiếu hụt điện trên diện rộng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Ngoài một số nguyên nhân khách quan như tình hình khô hạn kéo dài, Thủ tướng Chính phủ cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu điện trong thời gian qua vẫn là việc chậm đưa các công trình điện vào hoạt động do không huy động đủ vốn, giải phóng mặt bằng chậm, điều hành chưa quyết liệt.
Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VI, trong giai đoạn 2006-2010 cần đưa vào vận hành 14.600 MW, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 74%. Ngoài ra, việc duy trì giá điện thấp cũng ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện, giá thấp không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, không khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào phát triển điện.
Nếu tiến độ xây dựng các công trình nguồn và lưới điện không đảm bảo, không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện hiện nay, mà có thể còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo cấp điện cho các năm tới.
Bỏ bao cấp giá điện
“Theo tôi muốn hình thành thị trường điện cạnh tranh rất mất thời gian, có thể sau năm 2020 thì Việt Nam mới có thể hình thành một thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh”, ông Đỗ Đức Quân, Vụ phó Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương dự đoán. |
Để giải quyết vấn đề vốn cho các dự án điện, cơ chế giá điện cần phải xem xét lại. Ai cũng biết giá điện là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào phát triển ngành điện. Hiện giá điện còn bao cấp, giá bán điện thấp dưới giá thành chiếm khoảng 28% sản lượng điện thương phẩm như một phương thức bao cấp giá điện của nhà nước, ấy vậy nên mới còn tình trạng bù chéo giữa các loại hộ sử dụng điện, bù chéo giữa các vùng.
Ông Đỗ Đức Quân, Vụ phó Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết hiện việc chuẩn bị đề án và các văn bản pháp lý cần thiết cho việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh đang do Cục Điều tiết điện lực của bộ biên soạn. Ông phân tích, hiện nay thực chất giá cả của tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu liên quan đến ngành sản xuất điện nói chung đều đang có sự bao cấp của nhà nước, nên vốn đầu tư của một dự án điện thường không sát với giá cả thực trên thị trường.
Vì tính chi phí đầu vào các dự án điện còn quá thấp, dẫn đến đầu ra là bán điện và mua điện giá thấp nên không khuyến khích các nhà đầu tư vào ngành điện.
Cứ nhìn vào các dự án thủy điện nhỏ hiện nay mới thấy mặc dù EVN mua điện từ các dự án thủy điện nhỏ với giá do Bộ Công Thương quy định khoảng 800 đồng/kWh, giá này nhà đầu tư có lãi khoảng 15%, nhưng thủy điện nhỏ lại phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thủy văn, khi có nước mới có điện, khi không có nước thì chịu thua do không có hồ chứa.
“Theo tôi muốn hình thành thị trường điện cạnh tranh rất mất thời gian, có thể sau năm 2020 thì Việt Nam mới có thể hình thành một thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh”, ông Đỗ Đức Quân, Vụ phó Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương dự đoán.
Giang Đông/Thesaigontimes