Thúc đẩy dịch chuyển lao động trình độ cao trong ASEAN

Thúc đẩy dịch chuyển lao động trình độ cao trong ASEAN

Đây là một nội dung quan trọng tại cuộc họp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về công tác thực hiện các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs), công nhận lẫn nhau về kỹ năng (MRS), triển khai khung trình độ quốc gia (VQF) trong giáo dục nghề nghiệp và thực hiện tham chiếu khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF).

Công nhận lẫn nhau về kỹ năng

Tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng là một trong nhiều thuận lợi dễ nhận thấy và là mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa, thể chế, kinh tế, trình độ khoa học công nghệ, trình độ ngoại ngữ, tính chất rõ ràng về các tiêu chuẩn trong đào tạo, giấy phép hành nghề, minh chứng trình độ, minh chứng về năng lực và kinh nghiệm của lao động ở các quốc gia thành viên là những yếu tố tạo nên thách thức, rào cản đối với sự dịch chuyển lao động.

Để khắc phục điều đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về lao động kỹ năng ở trình độ cao trong 8 nhóm ngành nghề lĩnh vực gồm các dịch vụ kỹ sư, kiến trúc sư, khảo sát đo đạc bản đồ, bác sĩ, điều dưỡng, kế toán và du lịch. Đối với lao động có trình độ trung bình và thấp để tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động, Cộng đồng kinh tế ASEAN có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kỹ năng (MRS).

Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau MRAs, MRS tạo ra sự công nhận một cách công bằng về trình độ đào tạo, kỹ năng của lao động khi di cư tới các quốc gia khác trong nội khối ASEAN trong đó có lao động Việt Nam ở một số ngành nghề, lĩnh vực được lựa chọn thông qua tiến trình tham chiếu AQRF của các quốc gia thành viên ASEAN.

Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt và ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016, bao gồm 8 bậc trình độ (VQF), trong đó giáo dục nghề nghiệp bao gồm các trình độ từ bậc 1 đến bậc 5. Bên cạnh đó, khung trình độ kỹ năng nghề gồm 5 bậc theo Luật việc làm cũng đã được ban hành.

Kế hoạch thực hiện các thỏa thuận

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai VQF và AQRF còn gặp một số khó khăn, bất cập như: Hiện nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể triển khai VQF đối với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp; chưa thành lập ủy ban quốc gia với nhiệm vụ thực hiện tham chiếu đến AQRF; hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần được hoàn thiện;…

Vì vậy, để triển khai VQF và AQRF có hiệu quả, tới đây cần thúc đẩy tăng cường các hoạt động cung cấp và chia sẻ thông tin kinh nghiệm các nước cũng như sáng kiến thực hiện vào năm 2020; xây dựng kế hoạch thực hiện các thỏa thuận, khung trình độ quốc gia, khung tham chiếu trình độ ASEAN; Cung cấp thông tin liên quan đến lao động ngoài nước, vấn đề dịch chuyển lao động, xây dựng kế hoạch, báo cáo tham chiếu; Cung cấp thông tin liên quan đến quản lý văn bằng, trình độ, chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp; Thông tin liên quan đến tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia;..

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN, do đó những nội dung liên quan tới thực hiện các thỏa thuận chung trong khối ASEAN cần được đưa vào nội dung, chương trình chung của ASEAN. Cộng đồng ASEAN đã có tuyên bố về đào tạo nhân lực phục vụ dịch chuyển tự do, cần thành lập hội đồng các quốc gia thành viên để triển khai tích cực khung tham chiếu trình độ ASEAN. Trong thời gian tới rất cần sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên sâu như Y tế, Du lịch,…để thực hiện những nội dung cụ thể trong công tác triển khai khung trình độ quốc gia và khung tham chiếu trình độ ASEAN.

Cùng với sự công nhận về trình độ và kỹ năng, người lao động Việt Nam sẽ được hưởng mức lương và thu nhập tương xứng khi tham gia thị trường lao động khu vực, có cơ hội thăng tiến trong công việc và nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.