Thúc đẩy công tác đào tạo nghề vùng Tây Nguyên

GD&TĐ - Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1951QĐ-TTg ngày 2/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề ở các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước chuyển từ hướng cung sang hướng cầu, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. 

Thúc đẩy công tác đào tạo nghề vùng Tây Nguyên

Tuy nhiên tới đây, đào tạo nghề tại Tây Nguyên cần nỗ lực hơn nữa để rút ngắn khoảng cách về tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tỷ lệ bình quân của cả nước.

Dạy nghề đã góp phần giảm nghèo bền vững

Thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) cho thấy, vùng Tây Nguyên hiện có 108 cơ sở dạy nghề (tăng 25 cơ sở so với năm 2010), gồm 6 trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề, 90 trung tâm dạy nghề; 68/80 huyện có cơ sở dạy nghề công lập. Giai đoạn 2010 - 2015, các cơ sở dạy nghề trong vùng đã tuyển sinh 427.921 người (bình quân mỗi năm dạy nghề cho 85.584 người), tăng gấp 3,7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

Trong đó tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề chiếm khoảng 8,4%. Từ đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của toàn vùng tăng từ 26,5% năm 2010 lên 33,5% vào năm 2015.

Tính riêng chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2011 - 2015 đã dạy nghề cho 213.516 người, trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số; 42,4% học nghề phi nông nghiệp và 57,6% học nghề nông nghiệp...

Đánh giá kết quả công tác đào tạo nghề của vùng Tây Nguyên 5 năm (2011 -2015), Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết:

Dạy nghề đã từng bước chuyển từ hướng cung sang hướng cầu, chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo của các địa phương.

Xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo như: Dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho các khu công nghiệp, liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp đóng trên địa bàn...

“Dạy nghề đã góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, thực hiện đạt kết quả bước đầu các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo và tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhiều tỉnh Tây Nguyên” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.

Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề

Dù đã có nhiều nỗ lực, song cho đến nay, công tác dạy nghề ở Tây Nguyên vẫn còn những khoảng cách lớn so với bình quân cả nước. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng nhưng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề chưa đồng đều, một số trung tâm dạy nghề cấp huyện đầu tư lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả, gây lãng phí.

Quy mô tuyển sinh dạy nghề những năm qua có tăng nhưng tỷ lệ người học nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng vẫn là chủ yếu.

Tuyển sinh học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp nghề còn thấp (5 năm qua mới đạt 8,4% tổng số học sinh học nghề, bình quân cả nước là 12%), tỷ lệ học sinh bỏ học cao.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề mới chỉ đạt 2,5 - 3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng tính đến năm 2015 ước đạt 33,5%, kém hơn khoảng 7% so với bình quân cả nước.

Ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - cho rằng: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Tây Nguyên, các bộ, ngành Trung ương và mỗi địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề; tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước thực hiện việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên theo hướng đa ngành, chuyên sâu, nhất là những ngành nghề mà các trường ở Tây Nguyên chưa đáp ứng được.

Có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ tín dụng đối với học sinh, sinh viên học nghề có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức đào tạo nghề nội trú cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho thanh niên.

Nhờ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 5 năm qua, vùng Tây Nguyên đã có gần 34.000 lao động nông thôn chuyển sang làm công nhân trong các doanh nghiệp, làm chủ các xưởng sản xuất, tổ nhóm sản xuất, tạo việc làm cho lao động khác hoặc sản xuất hàng hóa cung cấp cho doanh nghiệp, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ