Thúc đẩy chất lượng bằng lập kế hoạch chiến lược và bảo đảm công bằng giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công bằng giáo dục và lập kế hoạch chiến lược giáo dục có mối quan hệ tương hỗ, thúc đẩy nền giáo dục phát triển.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (NATCOM) tổ chức Hội thảo quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam, ông Jonathan Baker; khoảng 80 đại biểu trực tiếp và 300 đại biểu trực tuyến là các lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, nhà giáo dục và đại diện các bên liên quan đến từ Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội, các viện nghiên cứu và trường đại học, các sở GD&ĐT, các tổ chức quốc tế…

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

5 kết quả ấn tượng của giáo dục Việt Nam

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để thảo luận về các vấn đề liên quan đến: Công bằng giáo dục - vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện; các bước xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục hướng tới công bằng giáo dục; vai trò của kế hoạch chiến lược giáo dục và thực hiện chính sách công bằng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục; kinh nghiệm, thực tiễn về công bằng trong hoạch định chính sách giáo dục; kế hoạch chiến lược giáo dục ở các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định, nhìn lại chặng đường đã qua, Việt Nam có thể tự hào về các thành tựu đạt được. Về công bằng và chất lượng giáo dục, Việt Nam đều thành công so với các quốc gia khác với cùng mức thu nhập.

Bên cạnh những kết quả ấn tượng về phổ cập giáo dục, nền giáo dục Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Thứ trưởng chia sẻ 5 “cột mốc” giáo dục Việt Nam đạt được. Trong đó, đầu tiên là hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.

Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi. Duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.

Hai là, ban hành và tổ chức triển khai Chương trình GDPT 2018, chuyển nặng từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung, hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Ba là, chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn. Công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Nghiên cứu khoa học, nhất là công bố khoa học quốc tế tăng mạnh. Một số cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong nhóm đại học tốt nhất khu vực Châu Á và thế giới.

Bốn là, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn; cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Năm là, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, yếu tố công bằng giáo dục luôn được nhấn mạnh, góp phần thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về một nền giáo dục công bằng cho tất cả mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng đồng thời chia sẻ những thách thức gặp phải trong thực thi các chính sách công bằng trong giáo dục, như: Việc tiếp cận chất lượng giáo dục tốt của trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa; những trẻ em không được hỗ trợ từ gia đình và nhà trường cũng dễ trở thành nạn nhân “bị bỏ lại phía sau” trong một môi trường sống đầy biến động.

“Công bằng giáo dục và lập kế hoạch chiến lược giáo dục có mỗi quan hệ tương hỗ, thúc đẩy nền giáo dục phát triển”. Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng: Một mặt bảo đảm quyền và thực hiện quyền bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người, hướng đến xây dựng một xã hội học tập; một mặt nâng cao, thúc đẩy nguồn nhân lực có chất lượng thông qua kế hoạch giáo dục được thể hiện chi tiết bằng những hành động cụ thể. Xây dựng và thúc đẩy hai yếu tố trên chính là động lực to lớn để nền giáo dục mỗi quốc gia phát triển hài hòa, bền vững.

Khoảng 80 đại biểu trực tiếp và 300 đại biểu trực tuyến là các lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, nhà giáo dục... tham dự Hội thảo.

Khoảng 80 đại biểu trực tiếp và 300 đại biểu trực tuyến là các lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, nhà giáo dục... tham dự Hội thảo.

Bảo đảm nền giáo dục công bằng và hòa nhập

Bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Chúng ta đang sống trong thế giới có sự chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và bất ổn gia tăng với rất nhiều những cơ hội và thách thức mới của toàn cầu hóa, của hội nhập liên kết, tùy thuộc lẫn nhau.

Trong thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo, các thách thức toàn cầu từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, bất bình đẳng cũng đặt ra gay gắt đối với nỗ lực của các quốc gia cũng như toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, giáo dục chất lượng, công bằng, hiện đại hóa giáo dục, phát triển nguồn lực để bảo đảm các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì thế, việc lập kế hoạch chiến lược giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây cũng là ưu tiên của UNESCO.

“Chúng tôi tin tưởng kết quả Hội thảo sẽ là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với nỗ lực chung của UNESCO trong thúc đẩy chuyển hướng giáo dục, trong bảo đảm nền giáo dục công bằng, chất lượng, không để ai bị bỏ lại phía sau và đóng góp vào tương lai phát triển hòa bình, bền vững”, bà Lê Thị Hồng Vân nhận định.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker, mặc dù có những thành tựu đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo một nền giáo dục công bằng và hòa nhập; cũng như cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, không bỏ ai lại phía sau. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Công bằng và hòa nhập là những trụ cột quan trọng trong các hoạt động hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về Chuyển đổi giáo dục, được Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, triệu tập vào tháng 9/2022.

“Chúng tôi rất vui mừng vì Việt Nam đã thể hiện thiện chí chính trị trong chuyển biến giáo dục thông qua quá trình tham vấn để đưa ra tuyên bố cam kết quốc gia. Những cam kết được đưa ra vào năm 2022 chính là tiền đề cho công tác lập kế hoạch chiến lược tiếp theo, bao gồm cả các cuộc thảo luận của chúng ta ngày hôm nay”, ông Jonathan Baker cho hay.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: Ở cấp độ toàn cầu, UNESCO có sứ mệnh chủ trì và điều phối các hoạt động và chương trình xoay quanh Mục tiêu phát triển bền vững 4 và Chương trình nghị sự Giáo dục 2030.

Với sự hỗ trợ tài chính từ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục (GPE), UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cùng đội ngũ chuyên gia của Viện Quy hoạch Giáo dục Quốc tế (IIEP) của UNESCO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp xây dựng Chiến lược Phát triển Giáo dục 2021 -2030 và tầm nhìn 2045 của Việt Nam. Chiến lược này đặt công bằng, hòa nhập là các trụ cột xuyên suốt ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo, cả trong giáo dục chính quy lẫn không chính quy.

“Mọi hệ thống giáo dục cần phải phấn đấu vì sự công bằng, hòa nhập và chất lượng”. Nhấn mạnh điều này, ông Jonathan Baker cho rằng, thúc đẩy sự công bằng và hòa nhập trong giáo dục đòi hỏi phải loại bỏ tất cả các hình thức loại trừ, sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận, tham gia cũng như trong kết quả học tập. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi cần thiết, táo bạo trong chính sách giáo dục và tập trung nỗ lực vào những đối tượng thiệt thòi nhất để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong số các nhóm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em khuyết tật về thể chất và tinh thần là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hơn nữa, ở những quốc gia có thành phần dân tộc đa dạng như Việt Nam, việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận và tham gia giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số là điều tối quan trọng. Điều này không chỉ liên quan đến khả năng tiếp cận vật lý mà còn liên quan đến các khía cạnh về tâm lý - xã hội lẫn kết quả học tập nói chung.

Ngoài ra, còn nhiều khía cạnh khác gắn với sự công bằng cần phải xét đến, chẳng hạn sự chênh lệch giàu nghèo và khu vực thành thị - nông thôn. Thông thường những khía cạnh này lại đan xen và liên hệ qua lại với nhau.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker phát biểu tại Hội thảo.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker phát biểu tại Hội thảo.

Liên quan đến khía cạnh bình đẳng giới, theo ông Jonathan Baker, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng cho cả trẻ em trai, trẻ em gái, giữa nam và nữ, nhưng vẫn còn cần phải giải quyết các nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng và các thành kiến giới.

Để làm được điều này, chúng ta cần chuyển từ nhận thức/nhạy cảm giới sang đáp ứng giới và đảm bảo bình đẳng giới thực chất. Các hoạt động phối hợp giữa UNESCO và Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương có nhiều trẻ em gái dân tộc thiểu số ở nông thôn cho thấy cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để đảm bảo các em không gặp phải rào cản trong việc duy trì việc học tập cũng như thụ hưởng các cơ hội học tập.

“Việc chung tay giám sát tình trạng hòa nhập của các em, tiến hành phân tích lỗ hổng, hạn chế cũng có thể cung cấp thông tin cho công tác hoạch định chính sách và lập kế hoạch giáo dục, từ đó giúp thực hiện các giải pháp hiệu quả.

Do đó, chủ đề của Hội nghị hôm nay rất kịp thời. Chúng tôi mong muốn được nghe ý tưởng của không chỉ các chuyên gia mà còn của những người làm thực tiễn về công tác lập kế hoạch chiến lược vì sự công bằng, hòa nhập trong giáo dục với cách tiếp cận đồng tham gia và dựa trên quyền của người thụ hưởng”, ông Jonathan Baker bày tỏ.

Trong khuôn khổ của Hội thảo có các phiên họp toàn thể có tính tương tác cao nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường mối quan hệ và mở rộng các cơ hội kết nối giữa các tổ chức, các đơn vị, các đối tác về giáo dục và lập kế hoạch phát triển giáo dục.

Sau phiên toàn thể, Hội thảo cũng dành 2 ngày tập huấn về lập kế hoạch phát triển giáo dục địa phương nhằm nâng cao năng lực xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển giáo dục cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các chuyên gia về giáo dục.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ