Phát hiện này có thể giúp giải thích các siêu lỗ đen ở trung tâm những thiên hà này “ăn vật chất” như thế nào. Đây còn là yếu tố còn thiếu của bí ẩn liên quan đến việc vũ trụ hình thành thế nào từ hàng tỷ năm về trước.
“Lần đầu tiên, chúng ta có khả năng chứng minh rằng những thiên hà nguyên thủy có khá nhiều “thức ăn” trong lân cận, để có thể làm tăng kích thước các siêu lỗ đen, cũng như hình thành các ngôi sao” – nhà khoa học Emanuele Paolo Farina ở Viện Nghiên cứu Max Planck (Đức) cho biết như vậy.
“Đây là thành tố quan trọng giúp các nhà thiên văn học giải thích về sự hình thành các cấu trúc vũ trụ từ 12 tỷ năm trước” – ông Emanuele Paolo Farina nói thêm.
Khối lượng các lỗ đen xuất hiện trong giai đoạn đầu của vũ trụ là rất lớn. Chúng nặng hơn Mặt trời của chúng ta hiện nay tới vài tỷ lần. Để đạt tới kích cỡ như vậy, các lỗ đen phải lớn lên rất nhanh. Điều này lại đòi hỏi xung quanh chúng phải có một lượng lớn các loại khí và mảnh đá vụn để lỗ đen “ăn”.
Hiện giờ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, xung quanh các thiên hà già nhất có các “trữ lượng khí” hoặc “quầng khí hidro”. Sự tồn tại của quầng khí như vậy được Kính Viễn vọng cực lớn (VLT) đặt tại sa mạc Atakama (Chi lê) khẳng định.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát các quasar – nguồn bức xạ điện từ liên tục với năng lượng cao. Các quasar trông có vẻ giống các ngôi sao, nhưng thực chất chúng là các thiên hà xa xôi.
Một trong các quasar, được phát hiện vào năm 2015, có khối lượng lớn hơn khối lượng Mặt trời 12 tỷ lần và phát ra lượng năng lượng tương đương với năng lượng của 420 nghìn tỷ Mặt trời.
Các nhà khoa học đã quan sát tổng cộng 31 quasar, tức là hình ảnh của các thiên hà từ 12 tỷ năm trước. Khi đó vũ trụ mới hình thành được 870 triệu năm, nghĩa là mới ở trong giai đoạn “sơ sinh”.
12 trong số các quasar đó có “quầng khí” bao gồm hidro đậm đặc và lạnh. 8 trong số 12 quasar này mới được phát hiện.
Chính các “quầng khí” hidro đậm đặc này là “thức ăn” của các lỗ đen.