Thuận Châu tập trung nguồn lực giúp người dân thoát nghèo

GD&TĐ - Huyện Thuận Châu (Sơn La) tập trung nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Huyện Thuận Châu luôn tập trung nguồn lực, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Huyện Thuận Châu luôn tập trung nguồn lực, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Bằng sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ và sự cố gắng vươn lên của nhân dân các dân tộc, công tác giảm nghèo ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân

Trong chuyến công tác các xã vùng cao của huyện Thuận Châu những ngày đầu Đông, chúng tôi cảm nhận rõ những thay đổi đang hiện hữu tại vùng miền núi này. Những khu đồi trọc ngày nào được người dân phát quang trồng ngô, giờ được phủ xanh bởi đồi chè, xoài, bưởi, chanh leo… Cùng với đó là những ngôi nhà sàn ngói đỏ của người Thái, nhà cao tầng kiên cố mọc lên san sát nhau. Minh chứng cho một vùng quê nghèo đang ngày càng thay da đổi thịt. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn được Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Thuận Châu thực hiện trong suốt thời gian qua.

Đời sống kinh tế của người dân ở Thuận Châu ngày càng được nâng cao.

Đời sống kinh tế của người dân ở Thuận Châu ngày càng được nâng cao.

Ông Quàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Mục tiêu hàng đầu của huyện trong thời gian vừa qua là công tác xóa nghèo. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính, huyện đã tập trung nguồn lực, nhân lực triển khai các chương trình giảm nghèo trên các xã. Huyện đầu tư xây dựng các công trình đường, trường, trạm, nhà văn hoá, hỗ trợ cây giống, vật nuôi giúp bà con phát triển kinh tế, góp phần xoá nghèo ở địa phương.

Theo ông Dũng, để thực hiện có hiệu quả các chương trình xoá nghèo, nâng cao mức sống cho bà con, huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ chuyên môn đến từng hộ gia đình để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, tìm cách hỗ trợ cho phù hợp, hướng dẫn bà con cách làm ăn, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, huyện đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học. Cùng với đó, huyện hỗ trợ và khuyến khích người dân thực hiện các dự án trồng cây sơn tra, sa nhân, cây ăn quả; hướng dẫn nhân dân nhận khoán bảo vệ rừng để được hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Huyện Thuận Châu hỗ trợ kỹ thuật, giúp người dân trồng xen canh cây chè dưới tán cây ăn quả.

Huyện Thuận Châu hỗ trợ kỹ thuật, giúp người dân trồng xen canh cây chè dưới tán cây ăn quả.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, được huyện Thuận Châu công khai, dân chủ từ cơ sở, lấy ý kiến trực tiếp của người dân, lựa chọn, bình xét đối tượng hỗ trợ theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân. Cùng với đó, huyện còn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, nhiều hộ dân từ nghèo khó đã biết khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Nâng cao nhận thức và hỗ trợ người dân

Cùng với việc thực hiện hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo của Nhà nước như: Chương trình 135, nông thôn mới, các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chính sách an sinh xã hội... huyện Thuận Châu đã tiến hành quy hoạch và phát triển ngành nông, lâm nghiệp phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung để nâng cao hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Huyện Thuận Châu còn tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm nông sản giúp bà con.

Huyện Thuận Châu còn tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm nông sản giúp bà con.

Bà Quàng Thị Phượng - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu cho biết: Huyện tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, kinh doanh thương mại, du lịch, hình thành các vùng sản xuất tập trung như chuyên canh chè, cà phê, cây ăn quả ở vùng dọc Quốc lộ 6. Đối với vùng dọc sông Đà, tận dụng mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện vận động người dân phát triển nghề nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản và trồng rừng. Tại các xã vùng cao, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng, trồng cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc. Nhờ vậy, mà đời sống kinh tế của bà con ngày càng được nâng lên.

“Điểm nổi bật trong thực hiện công tác giảm nghèo của Thuận Châu là huyện đặc biệt quan tâm đến giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất. Tập trung hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, giới thiệu các mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho bà con chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”, bà Phượng thông tin.

Hiện nay, một số hộ dân ở Thuận Châu có thu nhập cao từ trồng cây mắc khén.

Hiện nay, một số hộ dân ở Thuận Châu có thu nhập cao từ trồng cây mắc khén.

Ông Dũng cho biết: Huyện có 29 xã, thị trấn, với tổng số hơn 38.000 hộ dân, 5 dân tộc anh em chung sống. Thực hiện mục tiêu đưa huyện thoát nghèo vào năm 2025, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, thay đổi tư duy để người dân tự vươn lên thoát nghèo. Huyện đã thực hiện tốt việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế; huy động nguồn lực xây dựng các mô hình và tổng kết nhân rộng các mô hình kinh tế trong nhân dân… Đến nay, toàn huyện đã có hơn 16.000 lượt hộ được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, với tổng số tiền hơn 720 tỷ đồng.

Nhờ vào sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Một tín hiệu vui là đến nay, huyện đã đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người lao động địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 37% xuống còn gần 31%, hộ cận nghèo còn hơn 16%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.