Thừa Thiên - Huế: Tìm lại sức hút cho chợ cổ Đông Ba

GD&TĐ - Cố đô Huế vốn nổi tiếng với cây cầu Tràng Tiền, sông Hương thơ mộng, chùa Thiên Mụ linh thiêng và chợ Đông Ba sầm uất, náo nhiệt.

Ngôi chợ cổ có bề dày truyền thống hơn 120 năm giữa lòng Cố đô.
Ngôi chợ cổ có bề dày truyền thống hơn 120 năm giữa lòng Cố đô.

Trong số ấy, chợ Đông Ba từng nổi danh khắp ba miền nhưng hiện xuống cấp khá nghiêm trọng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ngôi chợ cổ giữa lòng Cố đô

Thành phố Huế là nơi có khá nhiều khu chợ lớn nhỏ khác nhau, nhưng cái tên khiến người ta nghĩ đến đầu tiên không đâu khác chính là chợ Đông Ba. Khu chợ được xem lớn nhất nhì tỉnh này nằm trên tọa lạc đường Trần Hưng Đạo, bên bờ sông Hương và cách cầu Tràng Tiền khoảng 1km.

Chợ Đông Ba có từ thời Vua Gia Long, tọa lạc ở bên ngoài cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba). Sau biến cố kinh thành Huế 1885, chợ bị thực dân Pháp phá hoại. Năm 1887, Vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và lấy tên là chợ Đông Ba.

Đến năm 1899, Vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay. Trải qua thời gian, chợ Đông Ba đã nhiều lần tu sửa với diện tích 47.614m2 từ cầu Gia Hội đến cầu Tràng Tiền, một mặt là sông Hương, một mặt là phố chính Trần Hưng Đạo, chợ Đông Ba có kiến trúc ba lầu vuông vức với hàng nghìn lô hàng đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của nhân dân.

Chợ Đông Ba là ngôi chợ có bề dày truyền thống, là thương hiệu của thành phố Huế nói riêng và cả tỉnh nói chung, từ lâu chợ Đông Ba đã trở thành trung tâm mua sắm sầm uất, là nơi giao thương mua bán của người dân trong tỉnh và khu vực miền Trung với hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm mỗi ngày.

Chợ không chỉ đơn thuần là nơi giao thương buôn bán, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, bản sắc của người dân Cố đô và trở thành điểm dừng chân cuốn hút dành cho du khách.

Chợ Đông Ba với gần 3.000 lô chính và rong bạ, đây là nơi quy tụ nhiều chủng loại hàng hóa, từ đặc sản Huế, sản phẩm các vùng miền, hàng lưu niệm quà tặng, thực phẩm, trái cây, hoa màu…

Xây dựng, tạo sức hút cho chợ cổ

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khung cảnh phía trong và ngoài chợ Đông Ba chỉ lác đác một vài khách mua.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khung cảnh phía trong và ngoài chợ Đông Ba chỉ lác đác một vài khách mua. 

Là ngôi chợ có bề dày truyền thống hơn 120 năm, qua thời gian, hiện cơ sở hạ tầng chợ Đông Ba xuống cấp nhiều khu vực thấm dột, rách nát, nhiều lô hàng bong tróc mái trần, hệ thống điện chằng chịt.

Việc nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng chợ để không bị ảnh hưởng đến mỹ quan và không an toàn cho tiểu thương và khách hàng là vấn đề cấp bách được chính quyền thành phố Huế chú trọng, đầu tư nhằm đưa chợ Đông Ba trở thành trung tâm mua sắm sầm uất, hiện đại phục vụ người dân và khách du lịch...

Chị Lê Thị Bích Ngọc, tiểu thương tại chợ, chia sẻ, chợ Đông Ba là nơi có nhiều du khách đến tham quan mua sắm nhất trong các khu chợ tại Huế, lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát như bây giờ, mỗi ngày chị đón tiếp hàng trăm lượt khách đến mua nón tại gian hàng này.

Nhưng thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách đến mua sắm ít hơn so với mọi năm, bên cạnh đó, nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng của chợ đã xuống cấp, nhiều khu vực thấm dột, rách nát, nhiều lô hàng bong tróc mái trần… ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan cũng như an toàn cho tiểu thương.

“Thời gian tới, tôi mong chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang môi trường xung quanh, xây dựng lại thương hiệu chợ Đông Ba để thu hút khách đến tham quan và mua sắm.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ thông qua chính quyền để kết nối với đội ngũ tiểu thương buôn bán tại chợ cùng sánh vai, đồng sức, đồng lòng thay đổi thái độ phục vụ, ứng xử với khách hàng để đưa chợ Đông Ba trợ thành chợ văn minh thương mại, thu hút khách du lịch hơn”, chị Ngọc bộc bạch.

Theo ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế, chợ Đông Ba là một trong những trung tâm mua sắm, giao thương quy mô lớn của tỉnh, lâu nay chợ Đông Ba đã trở thành “máu thịt” của người Huế.

Không những thế, chợ Đông Ba còn là niềm tự hào không chỉ với người dân Huế mà của những người Huế xa quê, của du khách trong và ngoài nước với cảnh mua bán nhộn nhịp “trên bến, dưới thuyền”, với những tà áo dài truyền thống hay thái độ phục vụ ân cần, nhẹ nhàng của người Huế.

Ngôi chợ có bề dày truyền thống này là một trong những nơi tạo ra nguồn kinh tế lớn cho thành phố cũng như tạo việc làm ổn định cho bao thế hệ người dân.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi du lịch phát triển, khách du lịch đến tham quan mua sắm đông nên nhiều tiểu thương bắt đầu nói thách, đẩy giá, thậm chí có những hành động, cử chỉ và lời nói không hay đối với khách hàng.

Một số tiểu thương vì lợi nhuận mà bán hàng kém chất lượng, cân đo thiếu, gây ảnh hưởng đến uy tín của chợ, mang tiếng xấu cho tiểu thương đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh chợ Đông Ba, khiến du khách ái ngại khi bước chân vào chợ mua sắm cũng như tham quan.

“Thị trường Huế đang trên đà phát triển với nhiều siêu thị quy mô lớn ra đời, nhiều khách hàng lựa chọn các kênh bán hàng hiện đại như mua hàng qua điện thoại, online, nhiều cửa hàng tạp hóa trên phố xuất hiện.

Đây sẽ là áp lực lớn cho tiểu thương nói chung và tiểu thương chợ Đông Ba nói riêng, qua đó đòi hỏi các tiểu thương phải đổi mới tư duy kinh doanh, thay đổi thái độ phục vụ, để cạnh tranh khách hàng với các loại hình kinh doanh hiện đại.

Thời gian tới, Ban quản lý chợ Đông Ba cần sắp xếp lại các gian hàng trong khuôn viên chợ, từng bước đầu tư nhằm hoàn chỉnh hạ tầng, chỉnh trang khuôn viên. Mặt khác, chính quyền sẽ vào cuộc cùng với Ban quản lý chợ để triển khai nâng cấp sửa chữa, đồng thời phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Huế tổ chức các khóa đào tạo cho tiểu thương về phương thức kinh doanh trong thời đại mới, đào tạo kiến thức về thương mại điện tử để tiểu thương làm quen với cách thức bán hàng mới, đáp ứng nhu cầu của du khách nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo sức hút cho chợ Đông Ba”, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.