Dân nghèo sẽ được cấp nhà ở sau khi rời khỏi Thượng thành Huế

GD&TĐ - Tại buổi gặp mặt, đối thoại với hơn 300 hộ dân thượng thành Huế ngay tại tại khu vực di dời tái định cư đợt 1 ở P.Hương Sơ TP. Huế vào ngày 27/10, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định nhà nước sẽ bàn giao nhà cho 32 hộ nghèo ở khu vực Thượng Thành – Eo Bầu trong đợt 1 theo hình thức chìa khóa trao tay.

Bà con dân Thượng thành vui mừng khi được ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đi xem nơi tái định cư sạch đẹp, khang trang.
Bà con dân Thượng thành vui mừng khi được ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đi xem nơi tái định cư sạch đẹp, khang trang.

Cũng tại buổi gặp mặt nhiều ý kiến về thời gian đi; cách bố trí đất tách hộ phụ cũng như cách thức xây dựng các kiểu nhà mẫu đã được người dân gửi đến lãnh đạo tỉnh trong buổi đối thoại lần này. Ông Phan Văn Quốc ở địa 128 đường Xuân 68 TP. Huế thắc mắc: Khi chúng tôi đi nhận đất và làm nhà theo thiết kế từ ban dự án đưa ra liệu dân có đủ tiền làm hay không? Điều lo lắng nhất bây giờ là di chuyển vào thời điểm mùa mưa nên chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn nên tôi mong di dời càng sớm càng tốt.

Trước câu hỏi nhiều người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế trả lời: Việc nhà nước trong quá trình thực hiện di dời dân cư, nhà nước chỉ thu hồi và khấu trừ tiền sử dụng đất. Tất cả các chính sách hỗ trợ và bồi thường tài sản trên đất các hộ gia đình điều được nhận về để thực hiện việc tới nơi ở mới để làm nhà.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu cho bà con nơi ở mới tại Khu tái định cư phường Hương Sơ TP. Huế
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu cho bà con nơi ở mới tại Khu tái định cư phường Hương Sơ TP. Huế 

Trong khung chính sách này có nhiều ưu đãi, đặc biệt hơn là đối với những hộ gia đình khi bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở đủ điều kiện bố trí tái định cư nhưng số tiền về tài sản và các công trình kiến trúc cấp đất không đủ 120 triệu thì nhà nước sẽ hỗ trợ cho đủ 120 triệu để ổn định cuộc sống và làm nhà. Bình quân mỗi hộ bị thu hồi đất sẽ có 150 triệu để làm nhà.

Đối với 523 hộ dân sẽ di dời trong đợt 1 sẽ gặp khó khăn trong việc thuê nhà ở. Thêm vào đó, thời điểm di dời là mùa mưa nên nguồn nhân lực thợ xây sẽ không đáp ứng khi cùng lúc trên 500 hộ dân triển khai xây dựng nhà ở. Vì vậy, trung tâm đang nghiên cứu và lên kế hoạch để huy động các nguồn lực, hỗ trợ tối đa công tác di dân để 523 hộ dân đầu tiên thuộc dự án di dân ra khỏi khu vực I Kinh thành Huế sẽ có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Hàng chục năm nay người dân nghèo ở Thượng thành Huế phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác
Hàng chục năm nay người dân nghèo ở Thượng thành Huế phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác

Có lẽ hạnh phúc nhất trong buổi gặp mặt hôm nay đó chính là 32 hộ nghèo ở khu vực Thượng thành, Eo Bầu bởi lẽ họ sẽ được bố trí tái định cư trong đợt 1 vào đầu tháng 12/ 2019. Bà Trương Thị Huyền (địa chỉ 10 kiệt 27 Tôn Thất Thiệp) sung sướng không cầm được nước mắt khi có dịp trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh.

Suốt hơn ba mươi năm qua, bà cùng người chồng bị mù phải sống trong cảnh tạm bợ, nhếch nhác trên khu vực thượng. Hôm nay được chủ tịch tỉnh trực tiếp dẫn đi xem nơi ở mới bà xúc động nghẹn lời “Cuộc đời tôi chưa bao giờ sung sướng như ri. Suốt bao năm lận đận kiếm cơm ngày ba bữa đã khó. Lấy đâu ra tiền để mua đất làm nhà. Bây giờ đã có đất. Rồi tới đây được chính quyền bàn giao nhà vào ở tôi vui sướng quá chú ơi”, bà Huyền xúc động.

Trong đợt di dân đầu tiên có 523 hộ trong đó có 32 hộ nghèo được bố trí nhà ở theo hình thức chìa khóa trao tay
Trong đợt di dân đầu tiên có 523 hộ trong đó có 32 hộ nghèo được bố trí nhà ở theo hình thức chìa khóa trao tay 

Tâm sự với người dân Thượng thành Huế chuẩn bị di dời trong đợt 1, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh hứa "sẽ không có người dân nào bị bỏ lại phía sau" trong cuộc di dân lịch sử này - "Chính quyền sẽ cố gắng hết sức để bà con được đến một nơi ở mới hiện đại, tiện nghi và xanh - sạch - sáng hơn nơi ở cũ".

Theo ông Thọ việc di dân đợt 1 ở trên Thượng thành Huế sẽ là đợt di dân kiểu mẫu, dù khó khăn về kinh phí nhưng đã hứa với bà con thì sẽ làm đến nơi đến chốn, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật của khu dân cư mới này hiện nay đã cơ bản hoàn thành và có thể đưa vào sử dụng.

Trong số hơn 500 dân thượng thành Huế có một số hộ bà con vô cùng khó khăn, không có khả năng làm nhà - bà con bình chọn, tỉnh sẽ vận động các nhà tài trợ, doanh nghiệp hỗ trợ cho bà con với quan điểm khi xây dựng ở khu dân cư mới ở đây nhà phải theo mẫu, theo chuẩn để đảm bảo một đô thị đẹp, một đô thị khang trang, một đô thị xanh, sạch, sáng như ước muốn của chúng ta. “Mục đích cuối cùng để bà con có một cuộc sống khang trang, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, một đô thị mới kiểu mẫu ở tầm quốc gia”, ông Thọ trăn trở.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực 1 di tích kinh thành Huế nhằm di dời, giải phóng mặt bằng hơn 4.200 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỉ đồng. Cụ thể, theo đề án sẽ có 4.201 hộ dân được di dời, kinh phí thực hiện là 2.735 tỉ đồng (đề xuất trung ương hỗ trợ). Đề án thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân; giai đoạn 2 (2022-2025) sẽ di dời khoảng 1.262 hộ dân. Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105 ha ở phường Hương Sơ được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỉ đồng từ ngân sách địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.