Ngày 28/5, thông tin từ phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều người đã có đơn trình báo đến cơ quan điều tra Công an tỉnh này về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet.
Theo cơ quan Công an, trong số các nạn nhân gửi đơn đến cơ quan công an, trường hợp của bà N.T.Đ, trú tại TP.Huế là nạn nhân trình báo bị chiếm đoạt số tiền lớn nhất, với gần 1,5 tỷ đồng.
Theo đó, thông qua mạng xã hội Facebook, giữa tháng 5/2021, bà Đ kết bạn với một tài khoản có tên "Hark Soa". Chủ tài khoản giới thiệu với bà Đ rằng, mình là nam giới, quốc tịch Mỹ và đang là quân nhân tại Syria. Ngoài ra, người này còn giới thiệu không có vợ, con và hiện có một số tài sản lớn.
Sau một thời gian nhắn tin qua lại tình cảm, khi tạo được niềm tin cho bà Đ, "Hark Soa" thông báo với bà này là có một số tiền lớn muốn chuyển về Việt Nam để tặng cho bà Đ và giúp đỡ người dân bị thiên tai. Bà Đ đồng ý.
Ngay sau khi được bà Đ. cung cấp địa chỉ, số điện thoại, tài khoản, "Hark Soa" đã nhắn cho bà Đ lời thông báo đã chuyển tiền kèm với thùng hàng và nói trong 2 ngày nữa bà Đ sẽ nhận được số tài sản có giá trị lớn. Nghe vậy, bà Đ trong lòng vui mừng và chờ đợi đến giây phút nhận quà.
Đúng 2 ngày sau, có một người xưng là nhân viên Hải quan ở TP Hồ Chí Minh gọi điện thoại cho bà Đ để thông báo, có một món quà có giá trị rất lớn từ nước ngoài chuyển về nên yêu cầu phải nộp tiền để làm thủ tục trước khi nhận quà.
Sau đó, bà Đ nhắn tin cho "Hark Soa" hỏi có người yêu cầu chuyển tiền để nhận quà thì người này bảo bà cứ làm theo yêu cầu vì trị giá quà rất lớn. Nghe theo lời của "Hark Soa", bà Đ đã 2 lần chuyển số tiền 350 triệu đồng theo yêu cầu.
Tiếp đó, có một người gọi điện cho bà Đ, xưng là nhân viên Chi cục thuế thông báo quà đã có ở sân bay và yêu cầu bà Đ muốn nhận thì phải nộp tiền thuế. Nhận được thông báo, bà Đ tiếp tục nhắn tin hỏi "Hark Soa" thì người này tiếp tục bảo bà Đ cứ gửi tiền vào để giải quyết thủ tục vì số tài sản rất lớn, nếu không thực hiện theo yêu cầu thì sợ bị mất.
Ngay sau đó, một giọng nữ gọi đến cho bà Đ rồi giới thiệu là nhân viên chuyển phát nhanh và thông báo, thời gian, địa điểm nhận quà. Đồng thời yêu cầu, bà này chuyển thêm một khoản tiền phí vận chuyển.
Tin vào lời những người gọi điện, trong vòng 8 ngày (từ ngày 12 đến 20/5), bà Đ đã 8 lần chuyển cho các đối tượng với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền bà Đ vẫn không nhận được quà nên người phụ nữ này liền liên lạc với "Hark Soa" để hỏi thì tài khoản của người này đã bị khóa. Lúc này, bà Đ mới tá hỏa, biết rằng mình đã bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo vụ việc.
Theo cơ quan Công an, hầu hết các vụ việc, đối tượng lừa đảo đều sử dụng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như: Zalo, Facebook để làm quen với "con mồi". Khi nạn nhân sập bẫy và chuyển tiền, đối tượng sẽ khóa tài khoản mạng xã hội, nhanh chóng chuyển tiền chiếm đoạt qua nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau.
Cuối cùng, tiền sẽ được rút ở một ngân hàng nước ngoài, gây khó khăn cho quá trình điều tra của cơ quan công an. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân nhưng vẫn còn nhiều người nhẹ dạ cả tin, nhất là người già và phụ nữ.