Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thì "Chúng ta cứ bị một xu hướng là tập trung cho những công trình kiến trúc to, bề thế mà không đánh giá đúng mức những giá trị của những công trình kiến trúc độc đáo.
Vì chúng ta lơ là như vậy thì chuyện sụp đỗ là đương nhiên. Không những Phu Văn Lâu mà Nghinh Lương Đình… cũng có nguy cơ sụp đỗ. Theo tôi phải có đánh giá lại giá trị các công trình kiến trúc kinh thành Huế, sẽ có chiến lược bảo tồn, tu bổ tôn tạo đúng mức hơn".
Bắt đầu từ cuộc vận động quốc tế tài trợ cho di tích Huế theo lời kêu gọi của UNESCO, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã kết nối với hơn 50 tổ chức quốc tế... để tiến hành các hoạt động bảo tồn tại khu di sản Huế. Riêng lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, Trung tâm đã trùng tu, phục hồi được 132 công trình, hạng mục di tích tiêu biểu.
Thực tế, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên của cả nước được Chính phủ ưu tiên dành cơ chế đặc biệt cho khu di sản Huế với nguồn hỗ trợ 800 tỷ đồng cho 8 năm (2013 - 2020) và nhiều chính sách ưu đãi khác. Đây là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, với hàng trăm công trình lớn nhỏ (ở 29 điểm di tích) đều có tuổi thọ cao, lại chủ yếu làm bằng gỗ, nên số công trình đã được trùng tu cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế chung.
Nhiều công trình đang "khát vốn nằm hấp hối" chờ trùng tu, như: Thái Miếu (Đại Nội), Khiêm Cung Môn, Hòa Khiêm Điện, Lương Khiêm Điện, Ôn Khiêm Đường, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức), Nghinh Lương Đình, điện Voi Ré, Hổ Quyền...
Theo tính toán của Trung tâm BTDTCĐ Huế, trong khoảng 30 năm qua, các nguồn tài trợ quốc tế cho việc trùng tu di tích Huế đạt khoảng 6 triệu USD; cộng thêm kinh phí hàng năm từ Trung ương và địa phương, chỉ mới đáp ứng phần nào yêu cầu trùng tu các di sản Huế.
Riêng năm 2014 này, nguồn đầu tư từ Trung ương đạt 49 tỷ, đồng, địa phương bổ sung thêm 40 tỷ. Số tiền này chỉ đủ để thực hiện một số dự án trùng tu trọng điểm. Còn hàng loạt công trình xuống cấp khác, dù đã ở mức báo động, thì cũng phải chờ để tìm nguồn kinh phí.
Sau 21 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, hiện di tích Huế đã được đánh giá vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp.
Thế nhưng, đến nay chỉ có hơn 130 công trình di tích đã được trùng tu, phục hồi. Hiện vẫn còn khoảng 400 công trình di tích đang ở trong tình trạng hư hỏng nặng nề, đổ nát...
Việc bảo tồn, trùng tu các di tích còn lại ở Huế đang đứng trước thách thức, do hầu hết các di tích có kiến trúc bằng gỗ đang đến chu kỳ phải sửa chữa, nếu không khắc phục kịp thời thì việc sụp đổ như di tích Phu Văn Lâu là không thể tránh khỏi..
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho hay: Trên thực tế, hầu hết các công trình kiến trúc gỗ trên thế giới cứ sau 20 năm thì phải trùng tu một lần, nhưng ở Huế thì không thể làm như vậy do thiếu kinh phí.
"Hiện Trung tâm đang quản lý một khối lượng các công trình đồ sộ, tuy nhiên với nguồn vốn trùng tu hàng năm khoảng 90 tỷ đồng như hiện nay thì chưa đáp ứng được cho việc trùng tu đồng loạt các di tích.
Do đó đơn vị chỉ lựa chọn trùng tu những công trình quan trọng và cấp thiết nhất, còn đối với những công trình còn lại thì chủ yếu chống đỡ và tu sữa nhỏ.
Sắp tới, Trung tâm sẽ kiến nghị với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tư nhiều hơn cho công tác bảo dưỡng và phòng chống xuống cấp ở các công trình di tích" - Ông Hải nói.