(GD&TĐ) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, vào lúc 4 giờ ngày 29/9, vị trí bão số 10 nằm ở khoảng 16,7 độ vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở tâm bão cấp 12; giật cấp 13, 14. Dự báo đến tối ngày 30/9, bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.
Nông dân thu hoạch lúa để tránh bão lụt |
Sáng 29/9, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại một số địa phương ven biển của tỉnh, đây là những địa bàn xung yếu, thường chịu nhiều thiệt hại khi xảy ra thiên tai như xã Hải Dương, thị trấn Thuận An.
Hơn 125 thuyền đang neo đậu an toàn tại âu thuyền xã Phú Hải |
Thừa Thiên - Huế; Gần 1900 tàu thuyền đã vào bờ an toàn
Tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), trong sáng 29/9, tất cả các tàu, thuyền của ngư dân đã được gọi vào bờ đến nơi tránh trú bão an toàn. Toàn xã Hải Dương cũng sẽ chỉ đạo tổ chức di dời khoảng 350 hộ dân, với 1500 nhân khẩu thuộc 6 thôn trên địa bàn đến các khu vực an toàn. Công tác di dời dân sẽ được hoàn thành trong sáng ngày 30/9.
Kiểm tra tình hình thực tế về công tác phòng chống bão số 10 tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao lưu ý: Đây là một trong những cơn bão mạnh, hướng di chuyển của bão diễn biến hết sức phức tạp, nếu bão đổ bộ vào thì nguy cơ thiệt hại do bão lụt gây ra là rất lớn.
Ông Cao lưu ý những kè đá được xây dựng để tại xã Hải Dương cũng chỉ có thể chịu được sóng biển dưới cấp 9. Nếu sóng ở cấp lớn hơn thì khả năng xảy ra hiện tượng mở cửa biển và sự xâm nhập mặn sâu vào đất liền là rất lớn. Tỉnh đã có phương án đầu tư 50 tỷ đồng để tiếp tục gia cố thêm những đoạn xung yếu tại khu vực này.
Hiện nay, ranh giới giữa tuyến đường ven biển và ven phá chỉ còn khoảng cách 15 m nếu bão số 10 đổ bộ vào khu vực này và triều cường dâng cao từ 4 - 5 m thì nguy cơ đây sẽ trở thành một cửa biển mới, đồng thời khu vực Cồn Đâu sẽ trở thành một ốc đảo giữa biển khơi.
Trong lúc đó tại xã Phú Thuận huyện Phú Vang có khoảng 80 hộ sống ven bờ biển buộc di dời khi bão đổ bộ. Ông Nguyễn Chường - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - cho biết: Do thiếu kinh phí nên thời gian qua, địa phương mới chỉ xây dựng tái định cư cho 43 hộ. Mỗi hộ được cấp 140 m2 đất và hỗ trợ 14,5 triệu đồng để làm nhà. Số hộ còn lại sẽ tổ chức bố trí TĐC trong thời gian tới.
Đối phó với bão số 10, ngày 29/9, UBND xã tập trung triển khai phương án di dời các hộ trong vùng ảnh hưởng sạt lở đến nơi an toàn. Ông Đoàn Thao - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang - cho biết:
Ngày 29/9, lãnh đạo huyện và các ban, ngành tổ chức kiểm tra phương án phòng, chống bão số 10 tại các địa phương ven biển. Các xã ven biển, như Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An... được huyện rất quan tâm chỉ đạo công tác sơ tán dân và giằng chống nhà cửa; kiểm tra, đôn đốc người dân neo đậu, giằng chống tàu thuyền an toàn nhằm tránh hư hỏng, gây thiệt hại do va chạm. Đến chiều 29/9, hàng chục hộ ven biển xã Phú Thuận được sơ tán khẩn cấp. Các địa phương còn lại, tập trung theo dõi diễn biến thời tiết và sẽ sơ tán dân khi cần thiết.
Riêng bờ biển hai xã: Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) bờ biển bị xâm thực lấn sâu vào khu dân cư, có khoảng 235 hộ cần phải sơ tán khi có bão. Theo các hộ dân nơi đây, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng nặng nhất là từ sau những đợt lũ liên tiếp năm 2007 đến nay.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ hộ sống trong vùng sạt lở ở thôn Tân Thành (xã Quảng Công) cho biết: Cách nay hơn 5 năm, bờ biển cách khu dân cư trên 100 m, nay lấn sâu vào gần sát đất thổ cư của người dân. Vào mùa bão, lũ, người dân sống ven bờ biển đứng ngồi không yên vì lo sạt lở, đe doạ tính mạng và tài sản.
Ông Nguyễn Đính - Chủ tịch UBND xã Quảng Công - cho biết: Hiện nay tại các thôn: An Lộc, Hải Thành, Tân Thành, Cương Gián có đến 160 hộ cần phải TĐC do ảnh hưởng sạt lở bờ biển; đến nay đã có 30 hộ được bố trí TĐC, trong năm 2013 sẽ bổ trí TĐC thêm 49 hộ, số còn lại tiếp tục TĐC trong những năm tới. Số hộ còn lại, UBND xã cũng có kế hoạch, sẵn sàng sơ tán dân đến trú ẩn trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền.
Nếu bão đổ bộ sẽ di dời dân trong đêm
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bão số 10 đổ bộ vào đất liền sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất là các vùng ven biển, đầm phá, ven sông... Dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 2.884 hộ, 11.561 nhân khẩu ở các vùng sạt lở, ngập lũ phải sơ tán đến nơi an toàn khi có bão, lũ xảy ra.
Đặc biệt từ chiều 28 đến sáng 29/9, tại âu thuyền Phú Hải (xã Phú Hải, Phú Vang), hàng chục tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh Thừa Thiên - Huế và các xã địa phương khác như Quảng Trị, Bình Định vào âu thuyền tránh trú bão số 10 phải “vượt cạn” khi luồng lạch ở đây hẹp và bị bồi lắng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đã có hơn 20 tàu thuyền bị mắc cạn tại đây khi đang trên đường vào nơi tránh trú bão. Các tàu thuyền đã nhanh chóng hướng dẫn, kéo nhau đi đúng luồng lạch, tránh bị bồi lắng để có thể vào được âu thuyền.
Có mặt tại âu thuyền Phú Hải, ông Lê Văn Trợ - Trưởng thôn Cự Lại Trung (xã Phú Hải) cho biết: “Tình trạng tàu thuyền mắc cạn khi vào luồng lạch diễn ra đã mấy năm nay, từ khi âu thuyền này được xây dựng. Đến mùa mưa bão, mật độ tàu thuyền về đây tránh trú bão khá đông nên tình trạng này diễn ra phổ biến hơn. Chỉ trong sáng 29/9, đã có 9 thuyền của ngư dân mắc cạn khi chạy bão, phải nhờ thuyền của địa phương ở đây ra kéo.”
Ông Phạm Minh Thắng - Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho hay: “Tại thời điểm này, khu neo đậu Phú Hải gồm 125 chiếc thuyền, tính cả một số địa phương khác vào đây tránh trú bão. Về tình trạng tàu thuyền bị mắc cạn khi vào lạch, từ hôm qua đến nay đã có hơn 20 chiếc.
Chúng tôi đề nghị hàng năm, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cần bố trí kinh phí để nạo vét, khơi thông nhằm đảm bảo an toàn cho bà con khi ra vào âu thuyền.” Theo ông Thắng, tàu mắc cạn chủ yếu là tàu của các địa phương bên ngoài khi vào luồng lạch do đi không quen đường, vả lại, lạch chỉ hẹp, bề ngang chỉ 1,5m nên tàu nơi khác đến nếu không được hướng dẫn sẽ bị vướng.
Đối với nguồn dự trữ trong dân, với phương châm “5 tại chỗ”, tỉnh Thừa Thiên - Huế vận động người dân toàn tỉnh dự trữ các mặt hàng thiết yếu đủ để sử dụng khoảng 7 ngày liên tục. Các doanh nghiệp thương mại khác cũng lên kế hoạch dự trữ khoảng 1.000 tấn hàng hóa các loại, trong đó chủ yếu là gạo, mì tôm, dầu ăn, cá và thịt hộp, xăng dầu, nước uống… nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong mùa mưa bão năm nay.
Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị sẽ là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Rất có thể bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào tối 30.9, khi vào đất liền cường độ bão giật đến cấp 15.
Nghệ An: Các Phó Chủ tịch đều xuống cơ sở chống bão
Để thống nhất triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 19, sáng 29/9, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh.
Trước đó, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó với bão số 10. Đến 16 giờ ngày 28/9, hơn 4.000 phương tiện tàu thuyền của ngư dân đã nhận được tin bão và đang trên đường tìm nơi trú ẩn. Tại một số hồ chứa nước đã tiến hành xả tràn; các cống tiêu quan trọng được các đơn vị chủ động vận hành; các địa phương đã và đang khẩn trương thu hoạch lúa.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các Sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện các nội dung trong bốn công điện của UBND tỉnh và của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã gửi; đặc biệt cần tuyên truyền để các địa phương và người dân biết mức độ nguy hiểm của bão số 10, tránh chủ quan nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi bão vào;
Chỉ đạo di dời dân ở những vùng cần thiết theo phương án đã xây dựng; tiếp tục gọi tàu thuyền tìm nơi trú ẩn; có phương án bảo vệ an toàn hệ thống hồ đập, đê điều; tổ chức trực ban, theo dõi 24/24 giờ tình hình diễn biến của bão số 10 để có phương án ứng phó kịp thời.
Sau cuộc họp, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh xuống ngay cơ sở đã được phân công tiến hành kiểm tra và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống lụt bão.
Lúc 11 giờ ngày 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 28/CĐ-UBND.NN gửi Chủ tịch UBND cấp huyện; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc Công ty Thủy lợi và các nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An yêu cầu thực hiện ngay 11 biện pháp cụ thể để ứng phó với bão số 10.
Minh Đức