Thừa Thiên - Huế: Dân trồng hoa Tết lo thị trường “đóng băng”

GD&TĐ - Nhiều hộ dân ở làng hoa Phú Mậu (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang tất bật chăm sóc cây với hy vọng hoa sẽ nở đúng vào dịp Tết. Tuy nhiên, nhiều nông dân lo lắng thị trường hoa “đóng băng” cuối năm.

Người dân đang trong giai đoạn cắm nan, trồng dặm lại những cây bị hư hỏng chuẩn bị hoa phục vụ Tết Nguyên đán.
Người dân đang trong giai đoạn cắm nan, trồng dặm lại những cây bị hư hỏng chuẩn bị hoa phục vụ Tết Nguyên đán.

“Thủ phủ” hoa Phú Mậu

Vẫn như mọi năm, làng hoa Phú Mậu là đầu mối cung cấp thị trường hoa Tết cho địa bàn trong tỉnh cũng như xuất sang các tỉnh lân cận. Với khoảng 10ha hoa các loại chủ yếu tập trung các vườn hoa ở thôn Vọng Trì, Thanh Vinh, Thanh Tiên và đặc biệt là Tiên Nộn.

Những năm gần đây, nhu cầu trang trí, chơi hoa, chơi cây cảnh của người dân tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Để phục vụ dịp Tết, vào tầm tháng 8 (âm lịch) nhiều hộ dân trên địa bàn làng hoa Phú Mậu đã bắt đầu xuống giống gieo hoa. Mỗi luống, người dân trồng một loại hoa khác nhau.

Ghi nhận của PV Báo GD&TĐ tại làng hoa Phú Mậu, nơi trồng hoa Tết truyền thống nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế mới biết được sự vất vả của người dân nơi đây. Để có được một bông hoa chất lượng, người dân phải dầm mưa dãi nắng trong suốt 4 tháng trời ròng rã, mặc dù xuống giống với số lượng hoa lớn, nhưng hầu hết các cây, chậu hoa đều được chăm sóc cẩn thận để tăng sức cạnh tranh với các đơn vị khác trên thị trường hoa Tết.

Tại thôn Thanh Vinh, những luống hoa cúc các loại, trong đó chủ yếu là cúc ruby đã được người dân xuống giống trồng gần 2 tháng nay. Hiện tại, người dân đang trong giai đoạn cắm nan, trồng dặm lại những cây bị hư hỏng để chăm sóc cho kịp Tết.

Theo tìm hiểu của PV, năm nay giá các loại hạt, cây giống, nguyên vật liệu không biến động nhiều, bà con nông dân chỉ lo lắng tình hình thời tiết thay đổi thất thường sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hoa và nhiều người cũng quan ngại về đầu ra, giá cả thì thị trường sẻ giảm so với những năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đối với nghề trồng hoa, bên cạnh kinh nghiệm và kỹ thuật thì thời tiết là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của một vụ hoa.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, người trồng hoa Phú Mậu đã chọn lọc xuống giống những loại phù hợp để cung cấp cho thị trường hoa Tết. Bên cạnh các loài hoa truyền thống như cúc, hồng, hoa vạn thọ… người dân còn trồng số lượng lớn hoa đồng tiền, ly và nhiều loài hoa cao cấp khác với mong muốn tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Để chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật các nhà vườn trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã phải đầu tư nhiều kinh phí cho việc mua phân để bón thúc, sử dụng thuốc kích cho hoa nhanh chóng phát triển, kết nụ, lắp đặt các hệ thống mái che, đèn chiếu sáng với công suất lớn để điều tiết sự sinh trưởng của hoa.

Theo nhiều người dân ở làng hoa Phú Mậu cho biết, khoảng từ ngày 22 đến 25 tháng 12 âm lịch là nhộn nhịp khách, thương lái về mua hoa và người dân nơi đây cũng tất bật chuẩn bị các bước để đưa hoa ra thị trường.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn để đưa ra những phương án, cách thức trồng hoa phù hợp với thời tiết, nhằm giúp đỡ người dân giải quyết những khó khăn trong mùa vụ này. 

Lo ngại “tắc” đầu ra

Ngoài khó khăn về thời tiết, năm nay nhiều dân cũng bày tỏ sự lo lắng cho đầu ra của hoa năm nay khi mà dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang còn diễn biến phức tạp.

Hơn 20 năm làm nghề trồng hoa tại thôn Thanh Vinh, ông Lê Ngọc Chất cho hay, năm nay một phần do thời tiết không thuận lợi nên số hoa bị hư hỏng cũng khá nhiều. Đến thời điểm hiện tại nếu trồng mới để thay thế sẽ không kịp cho dịp Tết nên người dân chỉ tập trung chăm sóc cho số hoa còn lại.

“Từ đây đến cuối năm nếu thời tiết thuận lợi, thị trường không bị ảnh hưởng thì sau khi trừ đi chi phí, người trồng hoa cũng hy vọng có thể thu về từ 50 - 60 triệu đồng cho mỗi sào hoa”, ông Chất chia sẻ.

Không chỉ tại thôn Thanh Vinh, tại cánh đồng hoa ở thôn Tiên Nộn, người nông dân cũng đang tất bật ra đồng chăm sóc cho vụ hoa Tết Nguyên đán. Để kịp thời vụ, người trồng hoa phải theo dõi thời tiết thường xuyên, chuẩn bị đất tốt, lên luống từ rất sớm. Do mưa lạnh kéo dài thời gian qua nên công việc trồng và chăm sóc hoa của người dân khá vất vả.

Chia sẻ với PV, bà Hồ Thị Hương (56 tuổi, trú thôn Tiên Nộn, Phú Mậu) cho biết, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên diện tích xuống giống hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2022 của gia đình giảm nhiều hơn so với những năm trước.

Nghề trồng hoa năm nay khó khăn nhiều lắm, các hạt giống mình nhập các nơi khác về gặp khó khăn, tiêu thụ hàng hóa cũng khó, nên bà con ở đây sản xuất cũng giảm đi, thậm chí giảm nhiều.

“Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên năm nay chúng tôi không dám trồng nhiều, nếu gia đình không may phải cách ly do dịch thì ruộng hoa coi như bỏ vì không có người chăm sóc”, bà Hương bất an.

Ngoài ra, những người trồng hoa ở các làng hoa, vùng hoa tập trung khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế như Quảng Điền, thị trấn Sịa, Phú Lộc... cũng đang nỗ lực hết sức mình chăm sóc, đầu tư cho vườn hoa để kịp thời cung ứng ra thị trường trong dịp Tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ